Tại sao nổi mụn cứng dưới da?
Da mặt tôi nổi nhiều cục mụn đỏ, cứng, dù thoa kem thuốc hay cố nặn đều không hết. Đây có phải mụn trứng cá không và cần điều trị ra sao?
Nguyên nhân nào gây loại mụn này? (Yến Trang, 24 tuổi, Long An)
Trả lời:
Tình trạng mụn bạn miêu tả có thể là mụn cứng dưới da (mụn dạng nang nốt). Đây là dạng mụn trứng cá thể nặng, có kích thước lớn, sờ vào cảm thấy cứng, khó di chuyển. Hầu hết mụn này không có đầu, khó thấy nhân, có thể gây sưng, đau và khó chịu, thường khó gom cồi. Nếu điều trị không đúng cách mụn không thể tự khỏi và thậm chí để lại sẹo.
Nguyên nhân gây mụn cứng dưới da thường do lỗ chân lông tắc nghẽn. Bởi các tế bào da chết và bã nhờn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn C.acnes sống tự nhiên trên da phát triển, gây nhiễm trùng, viêm và đau. Lỗ chân lông bít tắc xảy ra khi cơ thể tiết nhiều bã nhờn do nhiều nguyên nhân như không làm sạch da đúng cách hoặc rối loạn nội tiết trong giai đoạn dậy thì. Nam giới có nhiều hormone nên nguy cơ cao bị mụn cứng dưới da hơn nữ giới. Phụ nữ mang thai, trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể nổi mụn cứng dưới da.
Một số mỹ phẩm không rõ thông tin có thể chứa nhiều thành phần như corticoid, chì và một số chất bảo quản. Điều này có thể khiến da kích ứng, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn cứng dưới da sau một thời gian dài sử dụng.
Lấy nhân mụn sai cách cũng vô tình khiến nhân mụn đẩy vào sâu bên trong da, hình thành tổn thương, viêm và phát triển thành mụn cứng dưới da. Một số người cố dùng lực lấy nhân mụn ẩn dưới da không đúng cách, không loại bỏ hoàn toàn nhân mụn cũng dễ gây viêm, hình thành loại mụn này.
Tích tụ dầu và tế bào da chết có thể do chế độ ăn uống không tốt. Bạn cần tránh một số loại thực phẩm có nguy cơ kích thích sự phát triển mụn cứng dưới da gồm thức ăn ngọt, béo và thực phẩm từ sữa. Ngoài ra, không ngủ đủ giấc, thức khuya, căng thẳng kéo dài cũng khiến nội tiết thay đổi, tăng tiết bã nhờn, dễ nổi mụn cứng dưới da và nhiều loại khác như mụn trứng cá, mụn đầu đen...
Để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân chính xác gây mụn này, bạn cần đến bác sĩ khám, soi da và điều trị phù hợp. Ngoài tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, bạn cần chăm sóc da đúng cách. Làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần mỗi ngày (sáng và tối), sử dụng dưỡng ẩm phù hợp cho da mụn, hạn chế căng thẳng và thức khuya, sử dụng mỹ phẩm chất lượng tốt, tránh thức ăn không lành mạnh.