Tại sao dễ đột quỵ vào thời điểm cuối năm?

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tại sao dễ đột quỵ vào thời điểm cuối năm?

Tại sao dễ đột quỵ vào thời điểm cuối năm?
Thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt có thể được xem là yếu tố "kích hoạt" đột quỵ, khiến số ca bệnh thời điểm cuối năm thường tăng.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết những tháng cuối đến đầu năm sau, tỷ lệ nhập viện do xuất huyết não liên quan tăng huyết áp thường có khuynh hướng cao rõ rệt tại viện.

Xuất huyết não được xem là dạng đột quỵ nặng nhất, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Hầu hết bệnh nhân là nam giới, huyết áp rất cao nhưng không uống thuốc kiểm soát, dùng nhiều bia rượu... Các bệnh viện ghi nhận nhiều người 20-30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế. Hầu hết họ không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này.

Trong khi đột quỵ nhồi máu não có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm những giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng thì với xuất huyết não, hiện y học chưa có nhiều biện pháp điều trị hiệu quả. Gần đây, một số nơi phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dành cho bệnh nhân xuất huyết não đến viện trong 24 giờ, thể tích xuất huyết trên 30 ml, song kết quả hồi phục không ngoạn mục.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các thời điểm thay đổi thời tiết trong năm được xem yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Nguyên nhân do cơ thể chưa kịp thích nghi với việc thay đổi nhiệt độ. Vào thời điểm chuyển mùa, mức huyết áp thường dao động có khuynh hướng tăng cao, đặc biệt với bệnh nhân tăng huyết áp lớn tuổi và không uống thuốc huyết áp thường xuyên. Với bệnh lý xuất huyết não, thủ phạm của trên 90% các trường hợp là do tăng huyết áp.

Theo bác sĩ Thắng, thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nước khá nhiều, sẽ dễ tạo ra huyết khối trong mạch máu (đặc biệt là hệ tĩnh mạch). Nguy cơ càng cao khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C.

Ngược lại khi thời tiết quá lạnh, mọi người thường uống nước không đủ. Điều này làm cơ thể thiếu nước, cũng có thể dẫn đến việc tạo ra các huyết khối.

Ngoài ra, thời tiết quá lạnh hoặc nóng đều có thể gây các tác động đến sự co giãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Tác động này càng nghiêm trọng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, nhưng không được kiểm soát tốt.
Bác sĩ khuyến cáo thời điểm cuối năm, cần chú ý kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong khi thời tiết thay đổi khi chuyển mùa. Người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là nhóm có nguy cơ cao. Ngoài ra, dịp cuối năm với nhiều tiệc tùng, sử dụng bia rượu sẽ có thể làm cho mức huyết áp tăng kịch trần, cần tiết chế tối đa.

"Bệnh nhân tăng huyết áp nên để sẵn một vài viên thuốc kiểm soát huyết áp ở mọi nơi như ví bóp, bàn làm việc... để tránh việc quên thuốc", bác sĩ nói, thêm rằng trên 70% các bệnh nhân bị đột quỵ đã có thể tránh được nếu uống thuốc kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu... trước đó.

Cụ thể, huyết áp tâm thu cần đưa xuống mức <130mmHg ở mọi lứa tuổi. Trong nghiên cứu với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ trước đó, khi đưa mức huyết áp tâm thu <120 mmHg, hiệu quả phòng ngừa sẽ đạt hiệu quả tối ưu.

Hiện nay, với nhiều sự lựa chọn các thuốc kiểm soát huyết áp, việc đạt được huyết áp mục tiêu không phải là điều quá khó. Nhiều thuốc có thể mang lại hiệu quả, tiện dụng và làm tăng tuân thủ điều trị. Khi mức huyết áp ổn định ở mức thấp nhất có thể, nguy cơ xuất huyết áp sẽ vô cùng thấp.

Bản đồ