Suýt liệt do khối u ống sống
TP HCMAnh Hoàng, 30 tuổi, hai chân không đứng vững, bác sĩ phát hiện khối u 20 cm xâm lấn nhiều nơi, chèn ép ống sống, gây hủy xương, hoại tử.
Tình trạng yếu chân của anh Hoàng đã xảy ra hai năm nay và ngày càng nặng. Anh được chẩn đoán có khối u lớn ở ống sống, nghi ngờ ác tính đã di căn. Anh suy sụp tinh thần, sụt 5 kg, mất ngủ vì lo bệnh hiểm nghèo. Gần đây anh không thể đi lại, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Kết quả chụp MRI 3 Tesla cho thấy u kích thước 20 cm, chiếm trọn vùng đốt sống L3, L4, lan xuống L5, chèn ép bao thần kinh trong ống sống và lan cả ra ngoài, xâm lấn nhiều nơi.
"Khối u lớn như vậy ở tủy sống rất ít gặp", ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói, thêm rằng u phát triển quá lớn gây chèn ép, khiến sức cơ chân của người bệnh chỉ còn khoảng 2/5, teo cơ, tổn thương nặng. Hiện khối u đã ăn hủy màng tủy, đẩy túi thần kinh sang trái, gây hủy xương, xâm lấn cơ thắt lưng chậu, lan ra vùng sau lưng và mặt trước thành bụng. Hình ảnh chụp chiếu còn cho thấy u xuất huyết, hoại tử và có nang bên trong khối u.
Bác sĩ Tấn Sĩ đánh giá khối u có nguồn máu nuôi phong phú, đòi hỏi can thiệp thận trọng. Sau hội chẩn, các bác sĩ lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân, gồm hai giai đoạn. Đầu tiên là chụp mạch máu quanh khối u, dùng keo bít tắc các nhánh máu nuôi lớn. 24 giờ sau, bệnh nhân được phẫu thuật với mục tiêu giải phóng phần khối u trong ống sống để phục hồi sức cơ, đồng thời bóc tách tối đa phần u bên ngoài ống sống.
Kíp mổ sử dụng hệ thống định vị thần kinh tích hợp AI Neuro Navigation và kính vi phẫu AI K.Zeiss Kinevo 900 tích hợp chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới để định vị chính xác khối u, phóng to phẫu trường, giúp quan sát rõ ràng và kiểm soát chính xác quá trình phẫu thuật. Sau khi loại bỏ hoàn toàn phần u trong ống sống, các dây thần kinh được giải phóng, êkíp sử dụng màng nhân tạo thay thế phần màng cứng ống sống bị mất và tiếp tục bóc tách phần u bên ngoài. Kết quả loại bỏ được 70%, bao gồm dịch, bao u và phần cứng, không tổn thương mô xung quanh. Sinh thiết mô bệnh học xác định u bao dây thần kinh (Schwannoma) độ một, lành tính.
Bác sĩ Tấn Sĩ đánh giá ca phẫu thuật đã đạt được hai mục tiêu lớn là giải phóng thần kinh, mở rộng ống sống và xác định rõ bản chất tổn thương. Tiên lượng khả năng hồi phục của người bệnh rất khả quan.
Ngày đầu sau mổ, chân bệnh nhân cảm giác nhẹ hơn. Do không còn màng cứng, bác sĩ đặt ống dẫn lưu để tránh nguy cơ dò dịch não tủy, theo dõi trong 5 ngày đến khi vết mổ khô và sạch, sau đó rút ống. Một tuần sau mổ, sức cơ hai chân của anh Hoàng cải thiện tích cực. 10 ngày sau phẫu thuật, anh xuất viện, bắt đầu tập vật lý trị liệu, phục hồi sức cơ và chức năng vận động.
U Schwannoma thường gặp ở độ tuổi 30-50, phát triển từ tế bào Schwann bao quanh dây thần kinh. Khi chèn ép, khối u gây yếu, liệt, tê hoặc dị cảm ở vùng ảnh hưởng. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí khối u, tốc độ phát triển, triệu chứng. Nếu u nhỏ, bác sĩ theo dõi và chụp CT hoặc MRI vài tháng một lần để theo dõi sự phát triển của khối u. Trường hợp u lớn, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ. Hầu hết trường hợp u không tái phát nếu được cắt bỏ hoàn toàn.
Hiện chưa có biện pháp ngăn ngừa u Schwannoma vì chưa tìm ra nguyên nhân hình thành, khoảng 10% trường hợp có liên quan đến di truyền. Bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo người có các dấu hiệu yếu chi, tê bì hay đau bất thường nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để khám, điều trị kịp thời.