Suy thận - nguồn cơn gây tăng huyết áp ở người trẻ
Thấy chỉ số huyết áp tăng cao, Kiên, 29 tuổi, nghĩ do uống nhiều cà phê hoặc stress công việc, đến khi nhận chẩn đoán suy thận mức độ 3.
Người đàn ông là kỹ sư phần mềm, thường xuyên làm việc từ sáng tới tối muộn, ăn uống thất thường, uống 2-3 ly cà phê mỗi ngày để chống lại cơn buồn ngủ và gần như không tập thể dục.
Đầu năm nay, những cơn đau đầu nhẹ, chóng mặt bắt đầu xuất hiện, kèm theo huyết áp tăng cao khi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, anh tự trấn an do "thiếu ngủ hoặc áp lực công việc". Đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, Kiên mới quyết định đến bệnh viện.
Tại đây, bác sĩ phát hiện huyết áp của anh đã vượt ngưỡng 180 mmHg, trong khi mức bình thường chỉ dao động từ 90/60 mmHg đến 129/84 mmHg. "Em còn trẻ, không thể bị tăng huyết áp. Có thể do em uống nhiều cà phê quá thôi", Kiên nói với bác sĩ.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chuyên sâu cho thấy Kiên bị suy thận mạn giai đoạn 3. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch Máu Việt Nam, nói chỉ số creatinine tăng cao, chức năng thận chỉ còn khoảng 40%, là nguyên nhân chính khiến tăng huyết áp.
Trường hợp của Kiên không phải là cá biệt. Bệnh viện Bình Dân TP HCM từng tiếp nhận một thanh niên 23 tuổi mắc suy thận giai đoạn cuối, chỉ sau hai tháng phát hiện tăng huyết áp, nhưng vẫn bỏ qua việc điều trị. Anh thường xuyên đau đầu, chóng mặt, thậm chí tê lưỡi và mờ mắt. Một tháng sau, khi đi khám, huyết áp của anh đã vượt ngưỡng 180 mmHg, có lúc lên đến 220 mmHg.
Dù được bác sĩ khuyên nhập viện để theo dõi và tìm nguyên nhân, anh vẫn chần chừ. Chỉ đến khi không thể chịu nổi những cơn đau đầu dữ dội, anh mới nhập viện. Lúc này, chẩn đoán cuối cùng là suy thận giai đoạn 5 - giai đoạn cuối, với chức năng lọc cầu thận đã suy giảm nghiêm trọng.
"Đây là một trường hợp vô cùng đáng tiếc", bác sĩ nhận định, "việc xem nhẹ tăng huyết áp đã dẫn đến hậu quả phải chạy thận suốt đời".
Tại Việt Nam, bệnh thận mạn tính đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động, với hơn 10 triệu người mắc bệnh, chiếm khoảng 12,8% dân số trưởng thành. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 ca mắc mới, và ước tính 800.000 bệnh nhân cần điều trị lọc máu.
Xu hướng trẻ hóa bệnh thận đang diễn ra rõ rệt. Tại phòng khám Nội thận, Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ ghi nhận khoảng một phần ba số bệnh nhân dưới 40 tuổi. Nhiều trường hợp tăng huyết áp kéo dài không được kiểm soát đã gây tổn thương mạch máu, làm giảm lượng máu đến thận và phá hủy các bộ lọc cầu thận, dẫn đến suy thận.
Mặt khác, nhiều người trẻ bị tăng huyết áp, nguyên nhân chính là suy thận âm thầm. Theo bác sĩ, thận giống như một nhà máy xử lý nước thải siêu nhỏ. Hàng ngày, thận lọc khoảng 180 lít máu, loại bỏ chất thải, độc tố và nước thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Khi chức năng thận bị suy giảm, tức là nhà máy này bị "hỏng hóc" hoặc "tắc nghẽn", quá trình lọc máu sẽ không còn hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thận là điều hòa lượng muối (natri) và nước trong cơ thể. Khi thận bị suy yếu, nó không thể loại bỏ hết lượng muối và nước dư thừa. Muối giữ nước, và việc tích tụ quá nhiều nước trong cơ thể sẽ làm tăng thể tích máu. Thể tích máu càng nhiều, áp lực lên thành mạch máu càng lớn, giống như việc bơm quá nhiều nước vào một ống dẫn, gây tăng huyết áp, bác sĩ lý giải.
Ngoài việc lọc máu, thận còn sản xuất một loại enzyme quan trọng gọi là renin. Renin là một phần của hệ thống phức tạp mang tên Hệ thống Renin-Angiotensin-Aldosterone (RAAS), có vai trò như một "đồng hồ điều huyết áp" của cơ thể.
Khi thận cảm thấy lượng máu đến không đủ (thường xảy ra khi thận bị tổn thương), nó sẽ giải phóng renin. Renin sau đó khởi động một chuỗi phản ứng hóa học, cuối cùng tạo ra một chất rất mạnh gọi là angiotensin II. Angiotensin II có tác dụng làm co thắt các mạch máu khắp cơ thể, khiến chúng trở nên hẹp hơn. Khi các mạch máu bị thu hẹp, tim phải bơm máu với áp lực mạnh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp.
Angiotensin II cũng kích thích tuyến thượng thận sản xuất aldosterone. Aldosterone lại ra lệnh cho thận giữ lại nhiều muối và nước hơn nữa, làm tăng thêm thể tích máu và khiến huyết áp tiếp tục tăng cao. Đây chính là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm: thận bị suy yếu gây tăng huyết áp, ngược lại huyết áp cao lại tiếp tục gây tổn thương thận.
Tương tự, bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân, khẳng định tăng huyết áp và bệnh thận có mối liên hệ chặt chẽ. "Tăng huyết áp kéo dài có thể phá hủy các mạch máu, giảm lượng máu đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận, từ đó tăng nguy cơ suy thận. Ngược lại, việc suy giảm chức năng thận có thể làm giảm khả năng điều hòa huyết áp, dẫn đến huyết áp tăng", bác sĩ Thùy giải thích.
Các chuyên gia đánh giá tình trạng tăng huyết áp và suy thận đang có xu hướng trẻ hóa là do lối sống không lành mạnh như ít vận động, thói quen ăn mặn, ưa chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất béo bão hòa, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và căng thẳng kéo dài.
Trong đó, việc ăn quá mặn, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu natri và các món chế biến sẵn (như xúc xích, thịt nguội) khiến cơ thể phải giữ nước nhiều hơn, làm tăng thể tích máu và tạo áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi mọi người chủ động tự kiểm tra để biết chỉ số huyết áp của mình và theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh. Khi nghi ngờ tăng huyết áp, bệnh nhân nên khám chuyên sâu để được chẩn đoán, tư vấn điều trị phù hợp và tầm soát sớm các biến chứng.
Để phòng ngừa, mọi người nên tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ăn nhạt (dưới 5g muối/ngày, tương đương hai muỗng cà phê), ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thức uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý và tuyệt đối không hút thuốc lá.
"Sự thay đổi lối sống khoa học và chủ động tầm soát sức khỏe chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thận và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm về sau", bác sĩ Mạnh khuyên.