Sản phụ thuyên tắc phổi sau sinh mổ song thai
TP HCMMột tháng sau sinh mổ đón cặp song thai, chị Tiên 31 tuổi bị thuyên tắc phổi, tụ một kg máu trong bụng.
Biến cố thuyên tắc phổi xảy ra sau khi chị Tiên trải qua ca sinh mổ nguy kịch hồi đầu tháng 11. Khi ấy, chị bất ngờ chuyển dạ ở tuần thai 36 trong chuyến công tác tại Trung Quốc kéo dài 14 ngày. Hai bé trai chào đời khỏe mạnh nặng 2,8 kg và 2,9 kg, tuy nhiên mẹ hôn mê sâu, mất phản xạ ánh sáng, phải thở máy, sau 10 ngày điều trị tích cực mới thoát cửa tử.
Ba mẹ con về Việt Nam nghỉ hậu sản, một tuần sau chị Tiên đau bụng dữ dội, sốt cao không hạ, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ chẩn đoán chị Tiên bị thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, trong bụng có khối tụ máu và dịch kích thước 15x15x21 cm, nhiều cục máu đông trong lòng mạch máu phổi và chân.
Ngày 19/11, BS.CKI Nguyễn Thị Mụi, khoa Nội Tim mạch 2, cho biết thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông hình thành trong hệ tĩnh mạch. Cục máu đông thường hình thành từ tĩnh mạch ở chân, khi vỡ hoặc bong tróc sẽ di chuyển đến mạch máu phổi gây thuyên tắc động mạch phổi. Người bệnh suy hô hấp tuần hoàn, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh viện hội chẩn kết hợp 5 chuyên khoa. Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, sản phụ có khối máu tụ sau phúc mạc bị nhiễm trùng có thể do rối loạn đông máu sau thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi và mổ lấy thai. Bác sĩ Mỹ Nhi đề xuất phương án phẫu thuật lấy khối máu tụ cho chị Tiên, trường hợp nhiễm trùng nặng có thể cắt bỏ tử cung. Sau mổ, bác sĩ Tim mạch điều trị huyết khối.
Êkíp lấy được khoảng một kg máu cục đen, có mùi hôi, rửa sạch ổ bụng. 12 giờ sau, bác sĩ cho chị sử dụng thuốc kháng đông điều trị huyết khối động mạch phổi. Thuốc này không thể dùng trước phẫu thuật vì gây xuất huyết không thể cầm máu. Người bệnh tiếp tục truyền thêm kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Mụi, ba nhóm nguyên nhân chính gây huyết khối gồm bệnh lý rối loạn đông máu, bệnh miễn dịch hoặc ung thư. Bệnh nhân Tiên còn trẻ, xét nghiệm miễn dịch xác định mắc Lupus ban đỏ.
"Khả năng cao sản phụ thuyên tắc phổi do Lupus ban đỏ", PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch nói, thêm rằng bệnh gây tăng đông máu, huyết khối làm thuyên tắc phổi. Cục máu đông ảnh hưởng tuần hoàn tim, khiến bệnh nhân ngưng tim.
Lupus ban đỏ là bệnh lý viêm tự miễn mạn tính, biểu hiện ở nhiều cơ quan, xảy ra với phụ nữ trẻ tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến khớp, da, não, phổi, thận và mạch máu, biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốt (90%), ban da (85%), viêm khớp, tổn thương thận, tim, phổi.
Sản phụ thuyên tắc phổi nguy cơ cao tử vong. Chị Tiên may mắn được cứu sống, nhưng có biến chứng chảy máu sau mổ. Ổ máu tích tụ lâu ngày dẫn tới nhiễm trùng nặng, là nguyên nhân khiến thai phụ sốt, đau bụng, nhiễm trùng.
Sau một tuần điều trị, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, chị Tiên hết sốt, chỉ số xét nghiệm máu gần bình thường, tiếp tục dùng thuốc kháng đông trong ba tháng. Vì đang nhiễm trùng, người bệnh chưa thể điều trị thuốc ức chế miễn dịch trị bệnh Lupus ban đỏ.
"Nhờ phối hợp đa chuyên khoa, chẩn đoán đúng, mổ kịp thời, điều trị tích cực sau mổ, bệnh nhân Tiên thoát cửa tử lần hai", phó giáo sư Vinh nhận định. Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát, các bác sĩ khoa Miễn dịch lâm sàng sẽ hội chẩn và tiếp tục điều trị cho chị.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyên thai phụ mang đa thai không được chủ quan, cần khám thai đầy đủ, hạn chế nằm nhiều, hạn chế đi xa, nhất là giai đoạn cuối thai kỳ do nhiều rủi ro và có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào.