Rối loạn giấc ngủ - bệnh phổ biến của cuộc sống hiện đại
Lạm dụng công nghệ, ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử, nhịp độ công việc liên tục bất kể ngày đêm, áp lực cuộc sống hiện đại dễ khiến rối loạn giấc ngủ.
"Nhịp sống hiện đại có nhiều yếu tố ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, chẳng hạn trực đêm, làm ca đêm cũng gây xáo trộn nhịp sinh học", Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nói tại tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức, ngày 20/12.
Rối loạn giấc ngủ trước đây chủ yếu xảy ra ở nhóm người lớn tuổi hay có bệnh lý nền, nay trở thành căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở nhóm người trẻ và trung niên. Bộ Y tế ghi nhận tỷ lệ người bị rối loạn giấc ngủ tăng đáng kể những năm qua, ước tính khoảng 20% trẻ em, 15-20% thanh thiếu niên, 15-20% người trưởng thành và 30-40% người già đang gặp tình trạng này. Tại TP HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược và Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 15.000 ca điều trị liên quan đến các rối loạn giấc ngủ vào năm 2023, tăng 35% so với năm 2020.
Theo TS.BS Lê Tự Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Nội thần kinh kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Triều An, giấc ngủ bị tác động bởi nhiều yếu tố. Nhiều người trước khi đi ngủ, có thói quen xem phim kinh dị, phim tình cảm tâm lý gây xúc cảm mạnh, uống những chất kích thích, vận động quá mức, lo lắng căng thẳng về công việc, cuộc sống... Những điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể chất lượng giấc ngủ. Khi đang điều trị một số bệnh lý, nhiều người có thể bị khó ngủ do sử dụng thuốc.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu của rối loạn giấc ngủ hiện nay là sự lạm dụng công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay đã được chứng minh là làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, gây khó ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ sâu.
Thói quen sử dụng điện thoại trước khi ngủ còn kích thích não bộ, khiến cơ thể rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Kết quả là nhiều người không thể thư giãn để bước vào giấc ngủ tự nhiên. Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam chỉ ra rằng 68% người trưởng thành thừa nhận thường xuyên sử dụng điện thoại trong vòng một giờ trước khi đi ngủ. Con số này ở nhóm thanh thiếu niên lên đến 85%.
Bên cạnh đó, thời đại công nghệ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm áp lực. Nhịp độ làm việc liên tục, kết nối 24/7 qua email và ứng dụng nhắn tin khiến ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi trở nên mờ nhạt. Tình trạng stress và căng thẳng kéo dài làm gia tăng cortisol trong cơ thể, một hormone được biết đến là yếu tố gây gián đoạn giấc ngủ.
Việc thức khuya để hoàn thành công việc hoặc học tập cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Một khảo sát năm 2022 của Đại học Y Dược TP HCM cho thấy hơn 40% sinh viên đại học ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm do học tập hoặc lướt mạng xã hội.
Bác sĩ Đặng Nhất Tâm, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết rối loạn giấc ngủ gây các vấn đề về trí nhớ, mức độ tập trung, ảnh hưởng cuộc sống và hiệu quả công việc. Tình trạng này kéo dài còn làm gia tăng tần suất bệnh ung thư, dạ dày, hen, COPD, thận, gan, cơ xương khớp, bệnh lý liên quan hệ miễn dịch... Nhóm người trẻ tuổi mắc rối loạn giấc ngủ có nguy cơ cao hơn về giảm năng suất làm việc, thiếu tập trung và dễ mắc các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm.
Ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày cũng làm gia tăng tần suất đột quỵ, nhất là xuất huyết não. Nếu ngủ đúng chu kỳ, ngủ khoảng 7-9 giờ mỗi ngày, các cơ quan trong cơ thể sẽ được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, sắp xếp lại mọi thứ và bắt đầu một chu kỳ mới.
Các chuyên gia khuyến cáo hạn chế sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Nên dừng mọi hoạt động với màn hình ít nhất 30 phút trước giờ ngủ. Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc. Không sa vào tranh cãi, lo lắng công việc. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, bởi nếu căng thẳng mất ngủ thì hôm sau sẽ uể oải, hiệu quả công việc kém, càng không giải quyết được mọi việc.
Duy trì không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh và không bị gián đoạn bởi ánh sáng hoặc tiếng ồn. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, giải trí lành mạnh. Không dùng các thực phẩm, thức uống làm khó ngủ như cà phê đậm đặc, trà đặc, không lạm dụng rượu bia... trước giờ ngủ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Khi có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, nên đến gặp bác sĩ, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ để được chẩn đoán tình trạng, có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Không tự ý mua thuốc điều trị, có thể gây lệ thuộc thuốc và biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp, bệnh nhân không cần dùng thuốc, chỉ cần điều chỉnh các thói quen, sắp xếp lại cuộc sống đã có thể cải thiện tình trạng này. Đôi khi, rối loạn giấc ngủ lại xuất phát từ một số bệnh lý khác, cần tầm soát, điều trị nguyên nhân gốc rễ mới giải quyết được bệnh.