Phương pháp chẩn đoán loãng xương
Chỉ số T-score đo mật độ xương từ -2.5 trở xuống là dấu hiệu cảnh báo loãng xương.
Loãng xương xảy ra khi xương mất dần khối lượng và mật độ, dẫn đến yếu, giòn và dễ gãy. Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng có thể gây hậu quả nặng nề như gãy xương cột sống, cổ xương đùi, cổ tay... Đo mật độ xương là phương pháp chẩn đoán phổ biến để phát hiện nguy cơ loãng xương sớm và kịp thời can thiệp.
Mật độ xương thường được đo bằng phương pháp Dexa. Đây là kỹ thuật sử dụng tia X để đánh giá lượng khoáng chất trong xương. Kết quả đo được biểu thị qua chỉ số T-score. Chỉ số này giúp đánh giá nguy cơ loãng xương và gãy xương bằng cách so sánh mật độ xương của bệnh nhân với người trưởng thành khỏe mạnh 30 tuổi - tiêu chuẩn cho mật độ xương tối ưu. Các thang điểm của T-score bao gồm:
Từ -1 đến -2.5 là khối lượng xương thấp, tức loãng xương mức độ nhẹ, cần theo dõi để phòng ngừa nguy cơ tiến triển thành loãng xương.
Từ -2.5 trở xuống loãng xương, nguy cơ gãy xương cao hơn bình thường.
Kết quả T-score có thể kết hợp với công cụ Frax để dự đoán nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới, từ đó hỗ trợ bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể sử dụng chỉ số khác là Z-score để chẩn đoán loãng xương hoặc lượng xương mất đi. Z-score so sánh mật độ xương của bệnh nhân với người cùng độ tuổi và giới tính. Chỉ số này giúp bác sĩ xác định có nguyên nhân thứ phát gây mất xương hay không. Z-score thường được sử dụng cho người trẻ tuổi, trẻ em hoặc phụ nữ tiền mãn kinh.
Quy trình đo T-score không gây đau, thường kéo dài khoảng 15 phút và tập trung vào các vùng như hông hoặc cột sống - nơi gãy xương thường gây hậu quả nghiêm trọng. Người được chẩn đoán loãng xương hoặc có nguy cơ cao có thể đo T-score định kỳ để theo dõi thay đổi mật độ xương và điều chỉnh kế hoạch điều trị.
Theo bác sĩ Tiến, loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh do suy giảm hormone estrogen, người trên 50 tuổi, người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc người thiếu hụt canxi và vitamin D kéo dài. Ngoài ra, các yếu tố như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động và chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất cũng làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương. Loãng xương thường đi kèm với các bệnh lý viêm thoái hóa khớp.
Dấu hiệu nhận biết loãng xương thường khó phát hiện, chỉ bộc lộ rõ khi xảy ra biến chứng gãy xương. Một số dấu hiệu cảnh báo sớm có thể gặp bao gồm đau nhức xương khớp, đau lưng kéo dài không rõ nguyên nhân, chiều cao giảm dần theo thời gian do tình trạng xẹp đốt sống, gãy xương ngay cả khi có va chạm nhẹ hoặc té ngã đơn giản.
Bác sĩ Tiến cho biết phát hiện sớm và phòng ngừa loãng xương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương khớp, ngăn chặn tiến triển loãng xương. Người trên 50 tuổi hoặc nhóm có nguy cơ cao cần kiểm tra mật độ xương thường xuyên. Phát hiện bệnh sớm thông qua chỉ số T-score giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như gãy xương.
Các biện pháp khác phòng ngừa loãng xương bao gồm:
Bổ sung đầy đủ canxi bởi canxi là thành phần chính cấu tạo xương. Người lớn cần khoảng 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày. Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, cá hồi, cá mòi và các loại rau lá xanh.
Cung cấp vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi hiệu quả, có thể bổ sung qua ánh nắng mặt trời, thực phẩm như trứng, cá hồi hoặc viên uống bổ sung theo chỉ định bác sĩ.
Tập thể dục thường xuyên để xương chắc khỏe và tăng mật độ xương. Các bài tập như đi bộ, leo cầu thang, yoga, tập tạ nhẹ hoặc bơi lội giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, giảm nguy cơ loãng xương.
Hạn chế thuốc lá, rượu bia vì chúng cản trở quá trình hấp thụ canxi và giảm tái tạo xương.
Tránh sụt cân quá mức vì cân nặng thấp cũng làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương.
Bổ sung dưỡng chất thiên nhiên đặc hiệu như collagen type 2 không biến tính và collagen peptide thủy phân góp phần điều hòa hệ miễn dịch, duy trì chất lượng dịch khớp, tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn. Tinh chất Eggshell Membrane (tinh chất từ màng vỏ trứng), Turmeric Root (tinh chất nghệ), Chondroitin Sulfate... hỗ trợ kiểm soát viêm khớp gối, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, chống viêm, làm chậm thoái hóa khớp.