Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay ở dân văn phòng

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay ở dân văn phòng

Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay ở dân văn phòng
Nhân viên văn phòng có thể phòng ngừa hội chứng ống cổ tay bằng cách kết hợp vận động, nghỉ ngơi và điều chỉnh tư thế làm việc.

BS.CKI Nguyễn Ngọc Công, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết hội chứng ống cổ tay là tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên thường gặp nhất. Bệnh gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác ở vùng da bàn tay chịu sự chi phối của thần kinh giữa. Tình trạng nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay.

Dân văn phòng dễ mắc hội chứng ống cổ tay nhất do thường xuyên ngồi làm việc với máy tính, đánh máy và sử dụng chuột suốt nhiều giờ. Những người làm công việc vận động cổ tay nhiều như thu ngân, tài xế, thợ cắt tóc... cũng dễ mắc bệnh này. Theo bác sĩ Ngọc Công, phụ nữ có nguy cơ cao gấp ba lần nam giới, do đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn, thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay có thể phòng ngừa bằng cách vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm căng thẳng, áp lực tác động lên vùng này.

Sử dụng chuột và bàn phím phù hợp: Không nắm chuột hoặc gõ bàn phím mạnh quá mức giúp bàn tay thoải mái, không căng đau, hạn chế dồn lực lên cổ tay trong thời gian dài làm việc.

Ngồi đúng tư thế: Điều chỉnh cho cánh tay song song với bàn phím. Tìm một tư thế thoải mái và giữ cổ tay thẳng, tránh gập hoặc làm cong cổ tay khi làm việc.
Nghỉ ngơi bàn tay và cổ tay: Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay khoảng 30 giây sau mỗi 15-30 phút làm việc để giảm căng cứng, khôi phục sự linh hoạt.

Tập thể dục: Thả lỏng và vẫy bàn tay (tương tự động tác giũ nước sau khi rửa tay) một vài lần sau mỗi giờ làm việc. Nhờ đó, các gân gấp ngón tay và dây thần kinh giữa không còn bị bóp chặt, giảm nguy cơ phát triển thành hội chứng ống cổ tay.

Bạn cũng có thể thực hiện động tác căng duỗi cổ tay. Động tác này làm tăng tưới máu đến cổ tay, tăng khả năng vận động và độ linh hoạt, giúp cổ tay mềm dẻo hơn. Để thực hiện, bạn đưa tay phải ra trước, giữ khuỷu tay thẳng. Dùng bàn tay trái đè lên và gấp nhẹ cổ tay phải xuống dưới. Cố gắng căng duỗi cổ tay và các ngón càng nhiều càng tốt. Giữ tư thế này trong khoảng 20 giây. Sau đó thả ra và đổi bên.
Khi các phương pháp tự chăm sóc không cải thiện sự khó chịu, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được can thiệp, tránh biến chứng. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Điều trị nội khoa được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay. Bác sĩ có thể dùng thuốc chống viêm, người bệnh cần hạn chế các vận động gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức, từ đó giảm áp lực trong ống cổ tay.

Dùng nẹp cổ tay có thể cải thiện triệu chứng sau 4 tuần điều trị. Phẫu thuật được áp dụng ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà bệnh không thuyên giảm.

Bản đồ