Nuôi cấy thành công răng trong phòng thí nghiệm
AnhCác nhà khoa học tại King's College London đã nuôi cấy thành công răng trong phòng thí nghiệm, mở ra triển vọng điều trị mới cho người bị mất răng.
Nhóm nghiên cứu tạo ra một loại vật liệu mô phỏng môi trường hình thành răng, giúp các tế bào giao tiếp và khởi động quá trình mọc răng. Tiến sĩ Ana Angelova-Volponi, Giám đốc Nha khoa Tái tạo tại King's College London, nhận định nghiên cứu này có thể "cách mạng hóa việc chăm sóc răng miệng".
Một số loài động vật như cá mập và voi có thể mọc răng mới nhiều lần, trong khi con người chỉ có một bộ răng vĩnh viễn khi trưởng thành. Do đó, khả năng tái tạo răng là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nha khoa.
Không giống các phương pháp như trám hay cấy implant, vốn là giải pháp cố định và không thể thích ứng theo thời gian, răng được nuôi cấy từ tế bào của chính bệnh nhân có thể tích hợp vào xương hàm và phục hồi như răng tự nhiên. Đây là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu hợp tác giữa King's College London và Imperial College London.
"Chúng tôi đã tạo ra một môi trường mới bằng vật liệu đặc biệt, giúp các tế bào giao tiếp hiệu quả và bắt đầu hình thành răng trong phòng thí nghiệm. Môi trường này có thể được điều chỉnh để thúc đẩy quá trình tạo răng giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc tạo ra răng người nuôi cấy trong phòng thí nghiệm", tiến sĩ Angelova-Volponi cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Xuechen Zhang từ Khoa Nha khoa, Răng hàm mặt và Sọ não, trám răng không phải là giải pháp lý tưởng vì theo thời gian có thể làm yếu cấu trúc răng, dễ bị hư hỏng và gây ê buốt. Trong khi đó, phương pháp cấy ghép implant đòi hỏi phẫu thuật xâm lấn và phụ thuộc vào sự tích hợp giữa vật liệu và xương. Ông cho rằng các phương pháp này đều là nhân tạo và không thể khôi phục hoàn toàn chức năng tự nhiên của răng. Ngược lại, răng được nuôi cấy có thể phục hồi tự nhiên, tích hợp với xương hàm như răng thật, bền chắc hơn và ít nguy cơ bị đào thải.
Trước đây, nỗ lực tái tạo răng trong phòng thí nghiệm thường thất bại do tế bào không giao tiếp được với nhau. Giờ đây, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm hai hướng tiếp cận: nuôi cấy toàn bộ răng trước khi cấy ghép, hoặc cấy trực tiếp các tế bào răng non vào xương hàm để chúng tiếp tục phát triển trong miệng bệnh nhân.
Ông Zhang cho biết nhóm nghiên cứu đang xem xét nhiều phương án đưa răng vào cơ thể, bao gồm việc cấy tế bào răng non vào vị trí răng bị mất để chúng tiếp tục phát triển trong miệng, hoặc nuôi cấy toàn bộ răng trong phòng thí nghiệm trước khi cấy ghép. Dù theo hướng nào, họ đều phải bắt đầu quá trình phát triển răng từ rất sớm.
Tiến sĩ Angelova-Volponi kết luận: "Nếu công nghệ này được phát triển thành công, nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong chăm sóc răng miệng, mang lại giải pháp hiệu quả và bền vững hơn trong việc sửa chữa và tái tạo răng".