Những sát thủ thầm lặng gây đột quỵ ở người trẻ

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những sát thủ thầm lặng gây đột quỵ ở người trẻ

Những sát thủ thầm lặng gây đột quỵ ở người trẻ
Dị tật ở tim hoặc việc thiếu hụt các chất di truyền là nguyên nhân thầm lặng gây đột quỵ ở người 25-45 tuổi song ít được chú ý.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đột quỵ người trẻ - thường được định nghĩa là nhóm từ 45 tuổi trở xuống, tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) tăng hơn 30%. Có những ngày, hơn nửa số người bệnh đột quỵ nhập viện đều dưới 45 tuổi.

Tương tự, tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận 6 bệnh nhân đột quỵ tuổi dưới 45 trong một đêm đầu tháng 3, nhiều nhất trong vài năm gần đây.

"Đột quỵ người trẻ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Căn nguyên tiềm ẩn gây ra đột quỵ là yếu tố then chốt cần được xác định trong quá trình điều trị", Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nói.

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận người phụ nữ 37 tuổi, vào viện vì đột nhiên choáng váng, chóng mặt. Do vào viện kịp thời gian vàng, bệnh nhân đủ điều kiện sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.

Sau tiêm thuốc, bệnh nhân cải thiện các triệu chứng, song với bất thường trên chẩn đoán hình ảnh trước đó, các bác sĩ nghi ngờ có nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đột quỵ khi tuổi còn khá trẻ. Bệnh nhân được thăm khám, tầm soát chuyên sâu. Với kết quả gợi ý tồn tại dị tật tim thông phải - trái trên khảo sát siêu âm xuyên sọ, bác sĩ nội thần kinh hội chẩn cùng bác sĩ tim mạch can thiệp, thực hiện thêm các hình ảnh học giúp định vị dị tật tồn tại lỗ bầu dục trong tim.

BS.CK1 Phạm Thị Thu Ngân, Khoa Nội Thần kinh, cho biết ở người khỏe mạnh, lỗ bầu dục sẽ tự đóng kín sau khi chào đời. Tuy nhiên, khoảng 25-30% dân số sẽ có lỗ bầu dục tồn tại đến lúc trưởng thành. Lỗ bầu dục làm biến đổi dòng chảy bình thường của máu trong tim qua các ngăn có nguy cơ hình thành cục huyết khối, theo các động mạch đến não và tắc tại các nhánh cấp máu cho não, gây đột quỵ nhồi máu não.

"Tồn tại lỗ bầu dục là một nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ người trẻ nhưng trước đây ít được để ý", bác sĩ nói. Nguyên nhân thường là các triệu chứng đột quỵ ở người trẻ có thể diễn tiến rất kín đáo, khiến họ không đến bệnh viện chuyên sâu để tầm soát kịp thời.

Trường hợp này, nhồi máu não được xác định do huyết khối hình thành từ dị tật tồn tại lỗ bầu dục. Các bác sĩ Can thiệp Tim mạch đã bít lỗ bầu dục, giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây nhồi máu não. Sau hai tuần tập phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu, kích thích từ trường xuyên sọ, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và đã quay lại làm việc bình thường.
Hay trường hợp của bệnh nhân nam, 32 tuổi, hút thuốc lá khoảng 2 điếu một ngày, vào khoa vì nhồi máu não vành tia phải. Khai thác bệnh sử, bác sĩ quan tâm yếu tố hai người chị của bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước 40 tuổi và mẹ bị nhồi máu não ở tuổi 43.

Theo bác sĩ Phan Xuân Uy Hùng, điều này gợi ý có một yếu tố di truyền gây bệnh. Các xét nghiệm chuyên sâu được thực hiện, phát hiện tỷ lệ protein C của bệnh nhân chỉ có 30% so với người bình thường. Việc thiếu hụt này thường hình thành các cục huyết khối trong lòng mạch, dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.

Ngay sau đó, mẹ và chị gái bệnh nhân đồng ý xét nghiệm, kết quả tỷ lệ protein C chỉ đạt từ 23-30%. Nhờ vào các thăm khám kỹ, gia đình bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Nội Thần kinh điều trị và quản lý, giúp giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

Hiện nay, tử vong do bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Nước ta thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới.

Do đó, các bác sĩ cho rằng việc tầm soát, phát hiện nguyên nhân đột quỵ tại các cơ sở y tế chuyên sâu là vấn đề then chốt trong quản lý và kiểm soát phòng tránh đột quỵ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ... cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.

Đến viện cấp cứu ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.

Bản đồ