Nhiều quy định mới có hiệu lực từ năm 2025, tài xế cần lưu ý
(Dân trí) - Từ ngày 1/1/2025, nhiều quy định mới liên quan tới người điều khiển phương tiện giao thông chính thức có hiệu lực; một số lỗi vi phạm bị áp mức phạt tăng 10-30 lần so với trước đây.
Quy định mới về giấy phép lái xe
Trong số các quy định mới liên quan đến giấy phép lái xe (GPLX), các nội dung sau:
Thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe
Điều 57 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định có 15 hạng GPLX (tăng 3 hạng so với quy định trước), gồm: A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.
So với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật mới có một số thay đổi như sau:
- Hạng A1 mới cấp cho người lái mô-tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối, thay vì cấp cho người lái mô-tô từ 50 phân khối đến dưới 175 phân khối như trước đây.
- Hạng A mới cấp cho người lái mô-tô trên 125 phân khối, thay cho hạng A2 trước đây cấp cho người lái mô-tô trên 175 phân khối.
- Hạng B được gộp giữa hạng B1 và B2. Hạng B1 trước đây không còn cấp cho người lái ô tô mà cấp cho người lái mô-tô 3 bánh.
- Hạng C dùng để lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên đã tách thành C1 lái xe 2,5 đến 7,5 tấn và C lái xe trên 7,5 tấn.
- Hạng D trước đây dành cho lái xe chở người có 10-30 chỗ được tách thành hạng D1 (xe từ 8-16 chỗ) và hạng D2 (từ 16-29 chỗ). Hạng D giờ chỉ lái xe trên 29 chỗ.
Xem thêm: Phân hạng giấy phép lái xe có gì thay đổi theo luật mới?
Giấy phép lái xe có điểm số đánh giá
Theo quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, mỗi GPLX có 12 điểm/năm để đánh giá mức độ tuân thủ luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện.
Người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ điểm của GPLX dựa trên tính chất và mức độ nghiêm trọng của lỗi vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Nếu còn điểm trong năm, GPLX sẽ được phục hồi lại đủ 12 điểm vào năm sau. Trường hợp bị trừ hết điểm trong một năm, người vi phạm sẽ không được phép điều khiển phương tiện giao thông theo loại giấy phép đã đăng ký.
Sau 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người điều khiển phương tiện nếu muốn phục hồi điểm thì phải tham gia khóa kiểm tra kiến thức do cảnh sát giao thông tổ chức.
GPLX quá hạn 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết
Trước đây, người có GPLX quá hạn dưới 3 tháng được cấp lại mà không cần thi lại lý thuyết; quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm phải thi lại lý thuyết; và quá hạn từ 1 năm trở lên phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.
Tuy nhiên từ ngày 1/1/2025, theo quy định tại Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, người có GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm phải sát hạch lý thuyết theo quy định để được cấp lại GPLX; quá hạn từ 1 năm trở lên phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường.
Quy định mới về xử lý vi phạm luật giao thông
Từ ngày 1/1/2025, hai văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người tham gia giao thông chính thức có hiệu lực thi hành; đó là Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công An về công tác tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, và Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý trong hai văn bản pháp luật này.
Tài xế được thông báo "phạt nguội" trên ứng dụng mới
Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA, đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính sẽ xác định thông tin phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản, phương thức điện tử kết nối, chia sẻ dữ liệu trên app VNeTraffic khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông tăng rất cao so với trước đó.
Ví dụ, hành vi điều khiển ô tô vận chuyển hàng hóa là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật, hàng dạng trụ không chằng buộc hoặc chằng buộc không theo quy định có mức phạt tăng từ 600.000-800.000 đồng lên 18-22 triệu đồng, tức là tăng 27-30 lần so với trước đây.
Cụ thể những thay đổi về mức phạt đối với người điều khiển ô tô từ ngày 1/1/2025 như sau:
Chính sách mới đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện
Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe
Điều 59 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định tuổi tối đa của người lái ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Trước đó, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, tuổi tối đa của người lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy, theo quy định mới áp dụng từ ngày 1/1/2025, tuổi lái xe tối đa tăng thêm 5 tuổi với nữ và 2 tuổi với nam khi lái ô tô chở người trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người giường nằm.
Mô-tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải
Thông tư 47/2025 của Bộ Giao thông vận tải quy định, từ ngày 1/1/2025, mô-tô, xe gắn máy sản xuất từ 5 năm trở lên phải được kiểm định khí thải.
Đối với các xe máy, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất đến 5 năm, chủ xe không phải nộp hồ sơ và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Trường hợp này Cục Đăng kiểm sẽ cấp Chứng nhận kiểm định khí thải dựa trên dữ liệu từ các hệ thống.
Trong khi đó, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng được áp dụng với mô-tô, xe gắn máy (gọi tắt là xe máy) có thời gian sản xuất từ 5 năm đến 12 năm. Nếu xe có thời gian sản xuất trên 12 năm, thì chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.
Đối với các xe máy không có thông tin về ngày xuất xưởng trong cơ sở dữ liệu, cơ quan kiểm định sẽ tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Dù các văn bản về kiểm định khí thải sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng thực tế thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025, mà sẽ thực hiện theo lộ trình tại các văn bản được ban hành trong thời gian tới.