Nguyên nhân Argentina rút khỏi WHO
Argentina cho rằng WHO và nước này có những khác biệt sâu sắc về quan điểm quản lý y tế, nhận định quốc gia không nhận nhiều lợi ích, nguồn lực từ tổ chức.
Ngày 5/2, Argentina thông báo sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), động thái tương tự với Mỹ hồi tháng trước. "Tổng thống Javier Milei đã chỉ thị Ngoại trưởng Gerardo Werthein phụ trách việc Argentina rút khỏi WHO", Manuel Adorni, phát ngôn viên Tổng thống Argentina, nói tại cuộc họp báo thường kỳ.
Adorni nhấn mạnh, người dân Argentina "không cho phép tổ chức quốc tế can thiệp vào chủ quyền của, đặc biệt là về y tế".
Ông cho biết quyết định của Argentina dựa trên những khác biệt sâu sắc về quản lý y tế, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khiến nước này trải qua đợt phong tỏa lâu nhất lịch sử, gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Adorni cũng nhận định WHO thiếu sự độc lập trước ảnh hưởng chính trị của một số quốc gia.
Ngoài ra, dù WHO hoạt động ở Argentina, ông Adorni cho biết nước này không nhận được tài trợ từ tổ chức cho công tác quản lý y tế. "Do đó, việc rút khỏi WHO không gây tổn thất nguồn cung cho đất nước và không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế trong nước", ông nói.
Adorni khẳng định việc rút lui sẽ tạo ra "sự linh hoạt hơn trong thực hiện chính sách", phù hợp với lợi ích của Argentina và giúp nước này "tăng cường nguồn lực sẵn có". Ông nói thêm, động thái này tái khẳng định con đường hướng tới một đất nước có chủ quyền cả về mặt y tế.
WHO hiện chưa đưa ra bình luận về quyết định của Argentina.
Dữ liệu của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho thấy Argentina đã đóng góp khoảng 8,75 triệu USD tiền phí thành viên cho tổ chức này trong năm 2022 và 2023 - chiếm 0,11% tổng ngân sách. Dự kiến, nước này sẽ đóng góp 8,25 triệu USD trong giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, phần lớn ngân sách của WHO đến từ các khoản đóng góp tự nguyện. Argentina không đóng góp bất kỳ khoản nào trong những năm gần đây.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trước đây đã bảo vệ phản ứng của mình đối với đại dịch Covid-19. Vào năm 2020, khi Trump đe dọa rút nguồn tài trợ của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phản hồi: "Nếu ông không muốn người dân tử vong nhiều hơn, hãy tránh chính trị hóa vấn đề này".
Tháng trước, Trump đã chỉ trích cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trong sắc lệnh hành pháp ngày 20/1. Ông cho rằng WHO "xử lý sai lầm đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khác; thất bại trong việc áp dụng các cải cách cần thiết khẩn cấp và thiếu khả năng thể hiện sự độc lập trước ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thành viên". Đây cũng là những lý do khiến Mỹ rút lui.
Tedros bày tỏ tiếc nuối về quyết định của Trump, nhấn mạnh Mỹ cũng nhận được lợi ích từ tổ chức.
WHO được thành lập năm 1948 nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân toàn cầu. Để đạt mục tiêu đó, WHO điều phối các nỗ lực quốc tế, đặt ra các tiêu chuẩn y tế, cung cấp viện trợ và thực hiện nghiên cứu nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe.
Hiện, WHO hoạt động tại hơn 150 địa điểm trên thế giới.