Người Việt chi 49.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người Việt chi 49.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm

Người Việt chi 49.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm
Ước tính người Việt Nam chi 49.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm, trong khi đó chi phí khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm liên quan sử dụng thuốc lá tốn khoảng 108 nghìn tỷ đồng.

"Thuốc lá đang gây ra những gánh nặng to lớn đến kinh tế cũng như sức khỏe tại Việt Nam", thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nói tại hội nghị về phòng chống tác hại thuốc lá, ngày 17/10.

So với thuế thu được về thuốc lá, Việt Nam đáng gánh chịu thiệt hại về kinh tế gấp nhiều lần. Một nghiên cứu của Bệnh viện K ghi nhận gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận các bệnh liên quan thuốc lá gây ra 104.300 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, trong đó có gần 19.000 ca do hút thuốc lá thụ động.

Những căn bệnh liên quan đến dùng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu cướp sinh mạng người Việt. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường, từ đầu mẩu thuốc lá, tàn thuốc lá, khói độc thải ra.

Theo bà Hương, điều đáng chú ý là tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đang tăng cao. Cụ thể, phụ nữ từ 15 tuổi hút thuốc lá tăng từ 1,1 lên 1,5% trong 8 năm qua, trong khi tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm rõ rệt từ 45,3 xuống còn 38,9%. Nguyên nhân quan trọng là ngày càng nhiều học sinh nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - con đường dẫn đến hút thuốc lá điếu thông thường sau đó.

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy hút thuốc lá điện tử ở tuổi 14 dẫn tới tăng nguy cơ hút thuốc lá thông thường ở tuổi 17. Hút thuốc lá điện tử dẫn tới tăng sự khởi đầu hút thuốc lá thông thường và kéo dài tình trạng này, gây nhiều hệ lụy. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi tăng nhanh từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, với tỷ lệ từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.

"Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ", bà Hương nói. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong thanh thiếu niên giảm mạnh, đặc biệt ở trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi. Tình hình tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá đã giảm đáng kể tại hầu hết các khu vực có quy định cấm.
Theo bà Hương, để tiếp tục giảm những tác hại của thuốc lá, điều quan trọng là cần tăng thuế, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc. Ngoài ra, cần thay đổi cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.

Hiện nay, tỷ lệ thuế thuốc lá tính trên giá bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70-75%. Thuế thuốc lá tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia. Giá tăng thuế thuốc lá những năm qua thấp hơn so với mức độ tăng thu nhập bình quân đầu người.

"Với thuế thấp, giá bán thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, dễ tiếp cận ngay cả với người nghèo, thanh thiếu niên", bà Hương nói.

Diện tích hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá của Việt Nam là 50%, trong khi nhiều quốc gia đến 75%, thậm chí 85%. Từ năm 2013 đến nay hình ảnh và thông điệp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá chưa thay đổi. Một số mẫu cảnh báo sức khỏe đã không còn tác động nhiều đến hành vi sử dụng thuốc lá của cộng đồng.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bày bán công khai, dễ dàng mua bán trên các trang website, mạng xã hội. Nhiều nhà bán lẻ đã sử dụng cụm từ như đồ chơi điện tử, bàn chải đánh răng điện tử, máy hút khói điện tử, máy điện tử xịt thơm miệng... để vượt qua sự kiểm duyệt, đăng lên các kênh bán hàng trực tuyến. Đơn hàng thuốc lá điện tử được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng thông tin "thuốc trị mụn", "mỹ phẩm" để qua mắt cơ quan chức năng cũng như phụ huynh. Nhiều người nổi tiếng cũng tham gia quảng cáo các mặt hàng thuốc lá mới.

Các cửa hàng thuốc lá điện tử cũng được thiết kế bắt mắt để thu hút giới trẻ, như các cửa hàng bán đồ công nghệ, quán cà phê, với poster quảng cáo cỡ lớn. Nhiều nơi còn có các chương trình khuyến mại, cho dùng thử, tặng sản phẩm để hấp dẫn khách hàng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, các thành phần trong thuốc lá điện tử gây nghiện, thúc đẩy gây u phổi, ảnh hưởng phát triển não người trẻ, gây ung thư, tổn thương gan, thận... Từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2023, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, ở tuổi trung bình là 22.

Triệu chứng khởi phát phổ biến sau sử dụng thường là lơ mơ, rối loạn ý thức và kích động. Trong số bệnh nhân nhập viện, gần 52% có biểu hiện rối loạn về cảm xúc, tâm thần, trong đó gồm kích động la hét, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi. Rất nhiều trường hợp sau khi điều trị đã để lại di chứng khó hồi phục.

Theo các chuyên gia, lý lẽ các tập đoàn thuốc lá đưa ra khi sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là để giúp người trưởng thành bỏ nghiện thuốc lá, giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Trên thực tế, WHO đã khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.

Chúng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, không phải sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. WHO kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hiện, nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... Chưa quốc gia nào trên thế giới phê chuẩn thuốc lá nung nóng là sản phẩm cai nghiện. Bằng chứng khoa học cho thấy, cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Bộ cũng đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn thực thi môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm công cộng.

Bản đồ