Người bệnh suy thận mạn ăn thịt đỏ được không?
Tôi bị suy thận mạn độ 3 gần độ 4, giảm đạm thì có thể ăn các loại thịt đỏ được không? (Bùi Tấn Phát, 48 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê... cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể như chất đạm, vitamin, sắt. Tuy nhiên, ở người đã mắc bệnh thận mạn nói chung, suy thận mạn độ 3 gần chuyển sang độ 4 như anh thì cần hạn chế thịt đỏ, do khả năng lọc máu đào thải độc tố và các chất dư thừa ra khỏi cơ thể của thận bị suy giảm.
Thịt đỏ hay hải sản rất giàu đạm, làm tăng sản xuất độc tố urê (sản phẩm chuyển hóa protein), chất béo bão hòa, khiến người bệnh suy thận mạn có thể mắc hội chứng tăng urê máu như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sạm da, ngứa, khó thở, phù nề tay chân, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, ngưng tim. Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nồng độ urê trong máu, tạo gánh nặng lọc máu tại thận, khiến thận tổn thương trầm trọng hơn, gia tăng tốc độ tiến triển của bệnh thận.
Với người bệnh suy thận mạn độ 3-4, chưa phải lọc máu như anh, lượng đạm nạp vào cơ thể mỗi ngày được khuyến cáo là 0,6-0,8 g trên mỗi kg cân nặng. Ví dụ, anh nặng 60 kg thì có thể ăn 36-48 g đạm, tương đương 180-240 g thịt lợn nạc hoặc thịt gà nạc mỗi ngày.
Nguồn đạm tiêu thụ nên đến từ thịt lợn nạc (không dùng da, mỡ), lòng trắng trứng, thịt cá, thịt gà, thịt vịt bỏ da và nội tạng, sữa giảm đạm dành riêng cho người bệnh thận. Đồ ăn nên ít gia vị, chế biến đơn giản bằng cách luộc hoặc hấp, hạn chế dùng nước chấm. Anh cần hạn chế hoặc không sử dụng một số thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt dê, hải sản, nội tạng động vật, sữa bò thông thường, lòng đỏ trứng, thực phẩm chế biến sẵn, thịt cá khô hay đóng hộp.
Với chế độ ăn giảm đạm như trên, anh cần bổ sung viên đạm dành cho người bệnh suy thận mạn theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh đang bị suy dinh dưỡng, trẻ em hoặc phụ nữ có thai, cần được bác sĩ dinh dưỡng thiết kế thực đơn cụ thể chứ không được áp dụng chế độ ăn giảm đạm phổ biến như trên.