Não úng thủy nguy hiểm không?
Con gái tôi 17 tuổi, điều trị động kinh hai năm, gần đây co giật, đau đầu, chụp MRI ghi nhận não úng thủy, bác sĩ chỉ định mổ. Tình trạng này nguy hiểm không? (Thanh Thúy, Đồng Nai)
Trả lời:
Não úng thủy là tình trạng tích tụ nhiều dịch não tủy trong não thất do rối loạn trong quá trình sản xuất, lưu thông hoặc hấp thu dịch não tủy, khiến não thất phình to, làm tăng áp lực nội sọ. Dịch não tủy bao quanh não và tủy sống có nhiệm vụ quan trọng nhất là đệm lót giữa phần não bên trong với phần rắn bên ngoài. Dịch não tủy còn có vai trò cung cấp dưỡng chất, loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất của não, bảo vệ hệ thần kinh trung ương khỏi các tác động cơ học, điều chỉnh áp suất bên trong hộp sọ.
Tùy theo nguyên nhân và thời điểm mắc bệnh, não úng thủy được phân thành hai nhóm là bẩm sinh và mắc phải.
Não úng thủy bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ em, một số trường hợp phát hiện ở thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành. Nguyên nhân chủ yếu do các dị tật não bẩm sinh như nang màng nhện, hẹp cống não, thoát vị màng não tủy...
Não úng thủy mắc phải có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Các bệnh lý xảy ra ở hệ thần kinh trung ương như u não, chấn thương sọ não, viêm màng não, viêm não, đột quỵ... gây ra tình trạng này.
Tùy vào mức độ tăng áp lực nội sọ, độ tuổi mắc bệnh, thể trạng và bệnh nền kèm theo, người bệnh có thể khởi phát triệu chứng khác nhau. Ví dụ, bệnh nhi não úng thủy thường có đầu to bất thường, da đầu mỏng và căng bóng, trán rộng, nhô ra trước bất thường, động kinh, nôn ói, mất thăng bằng, chậm phát triển...
Người trưởng thành mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, nôn ói, mất thăng bằng, động kinh, suy giảm nhận thức và trí nhớ.
Con bạn mắc bệnh não úng thủy nên điều trị tại bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh. Bệnh để lâu có thể làm tăng áp lực nội sọ kéo dài, dẫn đến động kinh, yếu liệt, mất tri giác đột ngột, hôn mê, đột quỵ. Để chẩn đoán bệnh và nguyên nhân, bác sĩ cần dựa trên kết quả khám lâm sàng, bệnh sử, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu phù hợp như chụp CT 1975 lát cắt hoặc 768 lát cắt, chụp MRI 1,5-3 Tesla, xét nghiệm dịch não tủy...
Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tùy nguyên nhân, mức độ tăng áp lực nội sọ, độ tuổi, thể trạng và bệnh nền của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật như mổ mở, nội soi hoặc mổ não thức tỉnh để loại bỏ nguyên nhân gây ra não úng thủy, ví dụ khối máu tụ, u não hoặc cấu trúc tổn thương trong não, giải áp nội sọ hoặc đặt dẫn lưu não thất.
Phẫu thuật đặt hệ thống dẫn lưu chuyên dụng phổ biến nhất. Bác sĩ có thể điều chỉnh được áp lực, dẫn lưu dịch não tủy từ não thất xuống ổ bụng (V-P shunt), giúp duy trì lượng dịch não tủy vừa phải trong hệ thống não thất, ổn định áp lực nội sọ. Bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật nội soi mở thông sàn não thất ba để dịch chảy trực tiếp xuống các bể nền, từ đó giảm áp lực nội sọ.