Mức sinh năm 2024 giảm 'thấp nhất trong lịch sử'

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mức sinh năm 2024 giảm 'thấp nhất trong lịch sử'

Mức sinh năm 2024 giảm 'thấp nhất trong lịch sử'
Bộ Y tế dự ước tỷ lệ sinh năm 2024 đạt 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và ngược xu hướng sinh nhiều vào năm đẹp như Rồng.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thông tin trên tại hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024 ngày 27/12, thêm rằng đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm dưới mức sinh thay thế.

Cụ thể, năm 2024 mức sinh trên toàn quốc là 1,91 con/phụ nữ, trong khi năm 2023 tỷ lệ này là 1,96. Hai năm trước đó, mức sinh cao hơn song xu hướng giảm dần, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022. Chỉ tiêu kế hoạch năm 2,1 con/phụ nữ, theo Bộ Y tế, là mức sinh thay thế cần đạt được.

"Mức sinh năm 2024 hiện thấp nhất trong lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo", bà Liên Hương nói. Hồi đầu năm nay - năm Thìn tức năm Rồng, theo văn hóa phương Đông người sinh năm này sẽ gặp nhiều thuận lợi may mắn - dự báo tỷ lệ sinh sẽ tăng. Kết quả "thấp nhất lịch sử" này phản ánh quan niệm về sinh đẻ đã thay đổi so với truyền thống "năm đẹp đẻ nhiều". Kết quả này cũng cho thấy các chính sách khuyến sinh vẫn chưa kềm hãm được đà giảm sinh trên cả nước.

Trên thực tế trong hai thập kỷ qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao, dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Riêng năm 2024, mức sinh tại thành thị còn thấp hơn nữa và đạt 1,67 con/phụ nữ, còn khu vực nông thôn 2,08 con/phụ nữ.

Mức sinh vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, và cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn. Như vùng trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ sinh ước tính 2,34 con/phụ nữ; ở Tây Nguyên ước 2,24 con/phụ nữ. Đây là hai vùng có mức sinh cao. 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh tương đương mức sinh thay thế hoặc thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).

Như vậy, hình thái mức sinh theo vùng này hầu như không thay đổi trong nhiều năm qua, điểm khác là tỷ lệ sinh mỗi năm một giảm và càng giảm sâu.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Dân số, cho hay dự báo dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương Việt Nam giảm bình quân 200.000 người mỗi năm.

Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ này, dân số vẫn tăng nhẹ. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm. Kịch bản này, với xu thế sinh càng giảm hiện nay, khả năng khó xảy ra.

Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế thấp để lại hệ quả rất rõ, như Nhật Bản là quốc gia già hóa dân số số một thế giới. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều, thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm.

Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35. Nhiều tỉnh thành áp dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích sinh, như Long An, Bạc Liêu, Hậu Giang...

Bản đồ