Loạn thần do nghiện game

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Loạn thần do nghiện game

Loạn thần do nghiện game
Hà NộiDo áp lực công việc, người đàn ông 30 tuổi, dùng game giải tỏa căng thẳng, dần bị nghiện, gây rối loạn tâm thần.

Ngày 17/8, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân vẫn cầm điện thoại chơi game, thể trạng gầy gò, xanh xao, ánh mắt vô hồn, không tương tác với mọi người.

Người đàn ông tốt nghiệp tiến sĩ tại châu Âu, hiện làm trong lĩnh vực kiến trúc ở Hà Nội. Theo gia đình, ban đầu anh chơi game sau giờ làm việc để giải tỏa căng thẳng, khoảng 1-2 tiếng. Sau đó, thời gian chơi tăng lên 5 tiếng một ngày rồi phụ thuộc hẳn.

Bệnh nhân tự cô lập bản thân và chìm đắm vào thế giới ảo. Ba năm gần đây, anh liên tục phải chuyển việc vì không đáp ứng yêu cầu công ty. Cuối cùng, người đàn ông ở nhà, chơi game ngày đêm. "Hôm nào không được chơi, tâm lý trở nên bất thường, quát tháo mọi người", người nhà kể.

Bác sĩ Thu chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng nghiện game nặng, gây rối loạn tâm thần, điều trị bằng biện pháp cưỡng chế, trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Dù vậy, bà Thu nhận định việc cai nghiện game phức tạp vì bệnh nhân đã trưởng thành, sự can thiệp của bố mẹ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, việc cách ly người bệnh khỏi các thiết bị công nghệ khó thực hiện.

Dấu hiệu nhận diện bệnh nghiện game là chơi không ngừng nghỉ. Khi không được chơi sẽ xuất hiện các triệu chứng khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán. Người chơi mất đi các sở thích trước đây, sử dụng game như một cách thoát khỏi tâm trạng xấu. Người nghiện có thể gây nguy hiểm cho người khác hoặc mất đi các mối quan hệ, việc làm vì bị ảnh hưởng từ những hành vi có trong game.

Bác sĩ Thu cho biết nghiện game đe dọa sức khỏe nói chung, hoặc là yếu tố kích hoạt các bệnh tâm thần tiềm ẩn. Một số người có thể tạm kìm hãm nghiện game ở một thời điểm nào đó, tuy nhiên có khả năng mắc lại và gặp hậu quả tiêu cực. Biến chứng nặng nhất là trầm cảm dẫn đến tự sát, tàn phế, không còn khả năng lao động hoặc suy kiệt, tử vong.

Bệnh nghiện game online có thể điều trị bằng cách kết hợp các liệu pháp hành vi, tâm lý, điện trị liệu, hóa trị liệu. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tái phát nên cần bác sĩ kết hợp gia đình và bệnh nhân để kiểm soát.

Bản đồ