Hội chứng tâm lý con trưởng

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội chứng tâm lý con trưởng

Hội chứng tâm lý con trưởng
Là con trưởng trong gia đình ba chị em gái, gánh nặng đổ dồn xuống Loan, 38 tuổi ở Thái Bình, khi phải thay bố mẹ nuôi em, khiến cô mắc hội chứng tâm lý con trưởng.

"Tôi phải gánh vác quá nhiều, cảm giác tôi là mẹ thứ hai của các em chứ không phải là một người chị", người phụ nữ nói khi khám bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, hồi giữa tháng 9.

Nhiều năm nay, Loan gánh trách nhiệm kiếm tiền nuôi hai em ăn học, sau đó xin việc làm. Khi em thứ hai tốt nghiệp đại học, có thể tự kiếm tiền, người phụ nữ tiếp tục phải nuôi thêm em út. Vài năm gần đây, bố mẹ tuổi cao, hay ốm đau, Loan dành 2-3 triệu đồng mỗi tháng gửi cho phụ huynh. Vấn đề tài chính khiến hai vợ chồng hay cãi vã, Loan bị căng thẳng kéo dài.

Cách đây hai tháng, bố cô bị đột quỵ, cần phải có khoản tiền lớn điều trị. Em út còn nhỏ, em giữa thì thu nhập chưa ổn định, người phụ nữ một mình chạy vạy vừa lo vay tiền, vừa nghỉ làm vào viện chăm bố. Sau khi ông qua đời, cô mất ngủ, mệt mỏi, sống thu mình, tự làm đau bản thân để giải tỏa. Bác sĩ Chung chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm, kèm mắc hội chứng tâm lý con trưởng.

Dũng, 37 tuổi ở Thanh Hóa, cũng bị stress kéo dài vì phải gánh vác tài chính cho cả gia đình, nuôi thêm hai cháu. Em trai Dũng, 32 tuổi, thường xuyên cờ bạc, nợ nần khiến gia đình liên tục bị làm phiền. Người bố yêu cầu anh phải trả nợ thay em, thậm chí nuôi thêm hai cháu, vì thế, gia đình tiết kiệm được khoản nào lại "dốc cạn" trả nợ.

Tuy nhiên, em trai Dũng vẫn "chứng nào tật nấy", số nợ ngày một lớn. Bất bình, anh quyết không giúp đỡ, để em tự chịu trách nhiệm thì bị bố mẹ từ mặt, nói những câu nặng nề như "vô trách nhiệm, vô tâm". Áp lực tài chính và mâu thuẫn gia đình khiến người đàn ông căng thẳng kéo dài.

Anh nhận thêm 2-3 công việc để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, mất mọi hứng thú. Khi đến viện khám, anh được chẩn đoán trầm cảm, mắc hội chứng tâm lý con trưởng.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, hội chứng tâm lý con trưởng thường xảy ra khi một đứa trẻ lớn lên trong gia đình với mong đợi quá cao về trách nhiệm của nó, dẫn đến áp lực tâm lý và cảm giác tự ti. Trẻ em có thể trở nên e dè, ngại tiếp xúc và thường nghi ngờ khả năng của bản thân. Điều này có thể góp phần vào việc phát triển các rối loạn tâm lý và hành vi, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì khi mà sự thay đổi tâm lý diễn ra mạnh mẽ.

Kati Morton, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Santa Monica, California, Mỹ hồi tháng 5, trong một video Tiktok với hơn 6 triệu lượt xem đã liệt kê những dấu hiệu của "hội chứng con trưởng" gồm: Cảm giác mãnh liệt về trách nhiệm gia đình, xu hướng làm hài lòng mọi người và dễ nổi giận với những người em ruột.

Bác sĩ Chung cũng nhìn nhận con trưởng rất nhiều áp lực. Nữ giới là con trưởng nỗ lực học tập, kiếm nhiều tiền để làm vui lòng phụ huynh, trong khi vẫn phải bảo vệ, thậm chí nuôi dưỡng những người em ở dưới. Khi lấy chồng, dâu trưởng phải lo việc nhà chồng, cân đối tài chính chi tiêu, bếp núc, bầu bí, sinh nở... Con trai trưởng thường gặp áp lực phải làm gương, thành công, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ già yếu, xây nhà, có con trai nối dõi.

"Trách nhiệm càng nặng nề khi không chỉ làm vừa lòng bố mẹ mà còn phải biết cách đối nhân xử thế, làm hài lòng tất cả mọi người dòng họ", bác sĩ nói. Hiện, đời sống vật chất và tinh thần gia tăng, ngày càng nhiều người đẻ ít, đẻ thưa khiến phụ huynh cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho con cái, làm tăng gánh nặng lên vai, nhất là con trưởng hoặc gia đình chỉ có một con.

Nghiên cứu đăng trên Psychology Today chỉ ra con đầu lòng, đặc biệt là con gái, có xu hướng thể hiện các đặc điểm như khả năng lãnh đạo, định hướng thành tích và ý thức trách nhiệm. Nhiều đứa trẻ là con đầu lòng được "phụ huynh hóa" (tức đảm nhận vai trò của cha mẹ trong gia đình), về lâu dài có thể khiến kìm hãm sự phát triển bình thường, áp lực khiến họ phải vật lộn để tìm kiếm bản sắc của mình bên ngoài vai trò trong gia đình, từ đó nảy sinh vấn đề tâm lý.

Thực tế, nhiều người chịu áp lực con trưởng khiến tâm lý căng thẳng kéo dài, thúc đẩy phát sinh bệnh tâm thần hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần vốn có, như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, theo bác sĩ Chung. "Với những gia đình kinh tế khá, con trưởng cũng sẽ đỡ một phần gánh nặng, nhưng nếu sinh ra trong nghèo khó, đứa con trưởng còn phải vật lộn để thoát nghèo, chăm sóc cha mẹ ốm đau và lo cho những đứa em, lâu dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý", bác sĩ Chung cho hay.

Để con cái không bị rơi vào hội chứng tâm lý con trưởng, chuyên gia cho rằng bố mẹ nên lắng nghe và thấu hiểu, tạo điều kiện để trẻ có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình mà không sợ bị phê phán. Điều này giúp trẻ cảm thấy được hỗ trợ và hiểu rõ hơn về chính mình. Giảm áp lực và kỳ vọng, thay vì đòi hỏi thành công, hãy đánh giá nỗ lực và quá trình phát triển của trẻ. Giáo dục về cảm xúc, giúp trẻ hiểu và nhận dạng cảm xúc của bản thân và người khác, qua đó trẻ có thể phát triển khả năng quản lý cảm xúc.

Nếu tình trạng của trẻ nghiêm trọng, hãy xem xét gặp nhà tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn để hỗ trợ cả gia đình trong việc đối mặt với vấn đề này.

Bản đồ