Hội chứng ống cổ tay - bệnh dễ mắc ở dân văn phòng

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội chứng ống cổ tay - bệnh dễ mắc ở dân văn phòng

Hội chứng ống cổ tay - bệnh dễ mắc ở dân văn phòng
Làm việc liên tục với máy tính, sử dụng chuột trong nhiều giờ, tư thế đặt tay sai khiến dân văn phòng dễ mắc hội chứng ống cổ tay gây tê đau, giảm vận động.

ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Đơn vị Vi phẫu tạo hình thẩm mỹ, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết hội chứng ống cổ tay là bệnh lý xảy ra khi dây thần kinh giữa đi ngang qua ống cổ tay bị chèn ép, lâu ngày gây loạn dưỡng thần kinh và xơ hóa thần kinh giữa đoạn ống cổ tay. Người bệnh thường bị đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay, giảm sức cầm nắm, cản trở sinh hoạt thường ngày.

"Bệnh thường gặp ở những người thường sử dụng lực tay nhiều hoặc lặp lại một thao tác nhiều lần như nhân viên văn phòng", bác sĩ Tuệ nói, thêm rằng tỷ lệ phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân có thể do ngoài công việc văn phòng, họ còn làm nhiều công việc nội trợ liên quan đến tay. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận khoảng 120 trường hợp mắc hội chứng này, trong đó 65% là nhân viên văn phòng, và chủ yếu là phụ nữ (70%). Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm thừa cân, béo phì, đái tháo đường...

Như chị Diễm, 43 tuổi, là kế toán, mỗi ngày ngồi làm việc với máy tính 8-9 tiếng liên tục. Khi về nhà, chị lại giặt giũ, nấu nướng, xử lý tiếp công việc còn dang dở trên máy tính. Tay thường xuyên tê, đau, chị tự xoa bóp bằng các loại dầu hoặc kem bôi. Khi lực tay yếu đi rõ rệt, không thể nắm chặt tay lái xe máy, chị đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay do làm việc nhiều cổ tay không có thời gian nghỉ ngơi.

Trường hợp khác là anh Thành, 37 tuổi, nhân viên công nghệ. Ngoài thời gian ăn uống, đi ngủ, anh gần như ngồi một chỗ làm việc với máy tính. Gần đây, hai cánh tay anh mỏi nhừ, tê bì, châm chích ở mặt gan ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện lúc nửa đêm làm anh mất ngủ, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay.
Các dấu hiệu thường gặp của hội chứng này là đau tê, yếu tay, cảm giác châm chích hoặc nóng rát ở bàn tay, cổ tay... Để chẩn đoán, người bệnh được đo điện cơ nhằm xác định vị trí thần kinh bị chèn ép và tình trạng thần kinh bị tổn thương đang ở mức độ nào (nhẹ, trung bình hay nặng). Từ đó, bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, tình trạng nặng cần phẫu thuật.

"Nếu chỉ định phù hợp, phẫu thuật giải phóng ống cổ tay có thể cải thiện 98% triệu chứng", bác sĩ Tuệ nói, thêm rằng thời gian hồi phục sau mổ trung bình một tháng. Không điều trị kịp thời, tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài khiến thần kinh bị xơ hóa thì thời gian hồi phục lâu hơn (3-6 tháng) và mức độ hồi phục không hoàn toàn. Trường hợp nặng có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay.

Anh Thành khám bệnh kịp thời nên ở giai đoạn sớm, sau một tháng uống thuốc gần như không còn tê đau tay. Bác sĩ hướng dẫn anh cách vận động cổ tay và bàn tay phù hợp hơn, tránh tái phát cũng như lưu ý các dấu hiệu cần đi khám lại.

Còn chị Diễm bệnh đã chuyển biến nặng, có dấu hiệu teo cơ mô cái nhiều, phải phẫu thuật để khôi phục khả năng vận động. Sau mổ, tình trạng tê đau của chị cải thiện rõ rệt. Bác sĩ yêu cầu chị mang nẹp vải cổ tay vào ban đêm trong 2-3 tuần. Sau mổ khoảng 5-6 tuần, chị có thể làm việc từ từ và làm việc nặng.

Tùy thuộc vào thói quen sinh hoạt và thể trạng của người bệnh mà hội chứng ống cổ tay có thể tái phát và lần phẫu thuật sau sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chương trình tập vật lý trị liệu sau mổ, chú ý trong sinh hoạt hàng ngày, tái khám định kỳ hoặc ngay khi có bất thường.
Bác sĩ Tuệ lưu ý hội chứng ống cổ tay không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Mọi người, nhất là dân văn phòng, nên chủ động phòng tránh bệnh lý này bằng cách làm việc, vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm căng thẳng, áp lực lên cổ tay. Nên đặt tư thế tay đúng khi làm việc, giảm lực cổ tay và ngón tay khi đánh máy vi tính, sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay...

Phụ nữ làm công việc nội trợ không nên cố gắng xách nặng khi đi chợ, thay vào đó có thể sử dụng xe đẩy cá nhân; sử dụng dụng cụ nấu nướng có kích cỡ và trọng lượng phù hợp để bàn tay, cổ tay được nghỉ ngơi nhiều hơn... Người có dấu hiệu bất thường ở tay cần sớm đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị.

Bản đồ