Ghép xương chữa khớp gối thoái hóa nặng
TP HCMBà Hồng, 55 tuổi, thoái hóa khớp gối trái giai đoạn cuối, được bác sĩ ghép xương điều trị thành công.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vì không được điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến trong thời gian dài nên khớp và trục chi trái của bà Hồng đã biến dạng, chân vẹo hẳn vào trong, khớp gối cứng đơ, gần như không thể co duỗi và phải di chuyển bằng xe lăn. Bệnh còn làm lệch người sang một bên, bắt đầu biến chứng thoái hóa cột sống, đau lưng. Tình trạng nghiêm trọng nhất là lún khuyết mảng lớn xương mâm chày trong.
Bác sĩ chỉ định thay khớp gối nhân tạo để khôi phục khả năng vận động cho bà Hồng. Để giảm chi phí, hiệu quả lâu dài, bác sĩ lựa chọn phương pháp sử dụng khớp gối nhân tạo thông thường kết hợp ghép xương tự thân bù đắp vào phần xương mâm chày bị khuyết (lấy xương từ một vị trí khác trên cơ thể người bệnh). Đồng thời, để tránh đau và mất máu nhiều, tránh khó tập luyện sau phẫu thuật vì phải lấy nhiều xương, bà Hồng được ghép thêm miếng chêm nhân tạo.
Trong ca mổ, bác sĩ sử dụng kỹ thuật đường mổ subvastus, vén cơ tứ đầu để tiếp cận khớp gối giúp người bệnh giảm đau và có thể sớm tập phục hồi chức năng. Cơ tứ đầu là nhóm cơ chịu trách nhiệm cho việc co duỗi và ổn định khớp gối, hấp thụ lực tác động khi vận động. Trục chân của người bệnh cũng được nắn lại, cân bằng chiều dài và trục chi.
Ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh giảm đau đáng kể, hai chân đều nhau và có thể đi lại, không còn ngồi xe lăn.
Tái khám sau phẫu thuật hai tuần, cả chân và lưng bà Hồng không còn đau, dáng đi cải thiện. Sau mổ, người bệnh được hướng dẫn phải cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, không làm nặng, phòng ngừa té ngã và khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp khác.
Bác sĩ Khoa Học cho biết đau khớp gối nhiều năm nhưng không điều trị là sai lầm thường gặp ở nhiều người cao tuổi khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng. Như bà Hồng trước đó không điều trị, chỉ uống thuốc. Bác sĩ khuyên người cao tuổi, nhất là phụ nữ, nên tầm soát loãng xương định kỳ mỗi năm một lần, khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi cảm thấy đau nhức xương khớp. Bệnh được phát hiện sớm có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc, kiểm soát cân nặng, tập phục hồi chức năng. Trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Lúc này, người bệnh không nên trì hoãn, mổ càng sớm, tốc độ hồi phục càng nhanh và nhiều lựa chọn về loại khớp cũng như chi phí.
Phi Hồng