Gầy vẫn mỡ máu cao

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gầy vẫn mỡ máu cao

Gầy vẫn mỡ máu cao
Người đàn ông 41 tuổi sốc khi nhận kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số cholesterol gấp hai lần bình thường, rối loạn mỡ máu dù cân nặng 45 kg, tập thể dục mỗi ngày.

Người đàn ông ở Hà Nội, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, thường xuyên tập thể dục, đá bóng nên không tin kết quả cholesterol là 10,8 mmol/l. Ở người bình thường, chỉ số cholesterol toàn phần < 5,1 mmol/L (hoặc <200 mg/dL) và triglyceride < 1,7 mmol/L. Anh cao 1,6 m, nặng 45 kg, vòng bụng 80 cm, chỉ số BMI trong ngưỡng bình thường.

Không tin kết quả từ lần khám sức khỏe định kỳ tại công ty, bệnh nhân đến viện kiểm tra lại. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết thể trạng người bệnh gầy gò nhưng rắn chắc do thường xuyên vận động. Tuy nhiên, anh có thói quen ăn nhiều thịt chó, lòng lợn, bún, phở. Sau khi đá bóng, anh thường ngồi uống bia cùng bạn bè, trung bình một tuần từ 2-3 buổi nên mỡ máu cao, rối loạn mỡ máu nhẹ.

Theo bác sĩ, trường hợp này chỉ cần thay đổi lối sống, giảm đồ ăn nhiều đạm, đồ uống có gas, cồn, tăng vận động, hẹn tái khám sau ba tháng.

Tương tự, người đàn ông 38 tuổi, thích tập thể thao, thường chạy bộ từ hai đến ba buổi mỗi tuần. Gần đây, anh thường đau nhói ngực 2-3 phút, nghĩ do làm việc quá căng thẳng nên không để tâm. Cơn đau tăng khi tập luyện quá sức, mệt mỏi nhiều, đuối sức nhanh hơn. Đi khám, anh bàng hoàng khi thấy cholesterol trong máu tăng, theo dõi nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Mỡ máu gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó có hai loại chiếm nhiều nhất và có nguy cơ gây nhiều vấn đề sức khỏe là cholesterol và triglyceride. Các thành phần này bị mất cân bằng dẫn đến rối loạn mỡ máu.

Rối loạn mỡ máu (thường gọi là máu nhiễm mỡ) là tình trạng bất thường của lượng lipid ở trong máu, có thể là sự gia tăng của cholesterol xấu (LDL-C) và/hoặc nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) hoặc suy giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL-C).

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 153.000 người bị mỡ máu, trong đó 117.900 ca tử vong. Thống kê từ Tổng hội Y học, gần 50% người trưởng thành tại các đô thị bị rối loạn mỡ máu. Trung bình cứ 10 người trưởng thành có 3 người mỡ máu cao, 50% là phụ nữ ở độ tuổi 50-69. Đặc biệt ở thành thị, hơn 44% người mắc bệnh này.

Ngay cả những người có thể trạng không béo vẫn rối loạn chuyển hóa mỡ. Trong một khảo sát của bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, trên 700 người có độ tuổi từ 30-69 có chỉ số cơ thể BMI (tính bằng trọng lượng cơ thể chia bình phương chiều cao) nằm trong khoảng trung bình (từ 18,5 đến 25) có đến 77,8% bị rối loạn mỡ máu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỡ máu cao liên quan 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Khoảng 28 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan rối loạn mỡ máu (chiếm hơn 50% ca tử vong).

Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do nhiễm mỡ máu. Tại Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khoảng 60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, nam giới hay gặp hơn nữ.

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết không phải người béo phì thừa cân mới bị mỡ máu cao, rối loạn mỡ máu hay thường xuyên tập thể dục thì không mắc bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như yếu tố gia đình, tuổi, tình trạng bệnh lý như đái tháo đường, mãn kinh... Cuộc sống hiện đại với áp lực công việc, stress kéo dài khiến con người mệt mỏi, ít thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá, lười vận động... là nhóm nguy cơ cao.

Theo bác sĩ, người gầy tập thể dục đều đặn nhưng lạm dụng thực phẩm nhiều cholesterol xấu, hút thuốc, lạm dụng rượu bia... sẽ làm tăng nguy cơ thừa cholesterol trong máu, rối loạn chuyển hóa, tích mỡ. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng này có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới.

Theo bác sĩ Mạnh, rối loạn mỡ máu là rối loạn bên trong cơ thể, không thể nhìn bằng mắt thường. Trường hợp béo phì, lười vận động là yếu tố khiến bệnh tiến triển nhanh hơn. Như bệnh nhân 41 tuổi, tập thể dục nhưng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không phù hợp, lạm dụng rượu bia, thức ăn chứa đạm khiến mỡ máu tăng cao.

"Tình trạng này rất phổ biến, âm thầm tiến triển, gây hại sức khỏe, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng", bác sĩ nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết không ít người nhập viện vì các biến cố đột quỵ, nhồi máu cơ tim mới biết bản thân bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

"Do đó, việc kiểm soát chặt các bệnh nền như huyết áp, mỡ máu... là 'chiếc chìa khóa vàng' trong phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim", bác sĩ nói.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... cần kiểm soát và điều trị tốt. Duy trì lối sống tích cực, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ. Tập luyện thể dục hàng ngày. Tránh căng thẳng quá mức và kéo dài.

Bản đồ