Gần 5.000 trẻ dưới 9 tháng tiêm vaccine sởi tại VNVC

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gần 5.000 trẻ dưới 9 tháng tiêm vaccine sởi tại VNVC

Gần 5.000 trẻ dưới 9 tháng tiêm vaccine sởi tại VNVC
TP HCMLượng trẻ 6-9 tháng đến VNVC tiêm vaccine sởi tăng đột biến trong một tuần, đạt gần 5.000, trong bối cảnh ca nhiễm sởi tăng cao.

Ngày 23/11, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng số tiêm ở mức cao thể hiện ý thức chủ động phòng bệnh của người dân tăng lên. Các gia đình lo ngại dịch sởi diễn biến phức tạp còn trẻ nhỏ hệ miễn dịch yếu ớt, dễ mắc bệnh và gặp biến chứng.

Đây cũng là lần đầu hệ thống tiêm ngừa sởi cho nhóm 6-9 tháng tuổi, sau khi Bộ Y tế phê duyệt triển khai tiêm ngừa sởi cho nhóm này ngày 6/11, thay vì đợi đến 9 tháng tuổi như thông thường. Hơn 40 trung tâm VNVC tại TP HCM hiện sử dụng hai loại vaccine tiêm cho nhóm trẻ này, gồm: vaccine sởi đơn MVVAC của Việt Nam và MMR II phòng phối hợp sởi - quai bị - rubella của Mỹ.

Mũi sởi tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi được tính là mũi số 0 - mũi chống dịch. Vaccine sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm tỷ lệ trở nặng. Lý do, trẻ 6-9 tháng tuổi có lượng kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang giảm dần, trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nguy cơ mắc sởi cao.

Theo Bộ Y tế, vaccine dành cho trẻ dưới 9 tháng an toàn, không gây phản ứng nghiêm trọng, thường gây sốt nhẹ, đau ở vị trí tiêm. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên hơn 2.000 trẻ, cho thấy mũi tiêm sớm này giúp trẻ có miễn dịch từ 65-85%.

Khi đủ 9 tháng tuổi, trẻ sẽ tiêm tiếp mũi sởi đơn mũi 1 và mũi thứ 2 lúc 18 tháng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hoặc trẻ sẽ tiếp tục lịch tiêm theo chương trình dịch vụ, với mũi sởi đơn hoặc loại phối hợp sởi-quai bị-rubella lúc 9 tháng; tiêm tiếp mũi 2 lúc 12 tháng tuổi, khuyến cáo nhắc lại lúc 4-6 tuổi.

Ngoài tiêm dịch vụ tại các cơ sở tư nhân, TP HCM ghi nhận đã tiêm hơn 3.000 mũi ngừa sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi trong một tuần qua. Đây là kết quả trong chiến dịch tiêm vaccine sởi miễn phí cho trẻ 6-9 tháng tuổi của Sở Y tế, bắt đầu từ ngày 15/11. Vaccine sử dụng là loại sởi đơn giá.

TP HCM ghi nhận 211 ca mắc sởi trong tuần qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên hơn 1.800, trong đó ba trường hợp tử vong. Đây là lần đầu số ca sởi tại thành phố vượt 200 một tuần kể từ đầu mùa dịch, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.

Trước đó, Sở Y tế TP HCM công bố dịch sởi trên địa bàn hôm 27/8. Dù triển khai chiến dịch tiêm ngừa cho trẻ em 1-10 tuổi trong vòng hơn hai tháng qua nhưng số nhiễm vẫn tăng ở nhiều nhóm tuổi. Đến ngày 22/11, ở nhóm 6-9 tháng, Sở ghi nhận có 306 trẻ mắc sởi kể từ đầu dịch (ngày 27/8), chiếm 17% tổng số nhiễm. Nhóm này cũng chiếm 30% trong tổng số ca nặng. Đây là nhóm chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên cả nước, số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ khá cao trong năm nay, khoảng 25-30% tổng số mắc, 30% trong số này phải hỗ trợ hô hấp. Cơ quan này tiếp tục theo dõi tình hình dịch, xem xét hạ độ tuổi tiêm chủng sởi ở một số địa phương khác ngoài TP HCM. Đại diện này cũng nhận định tình hình dịch sởi sẽ còn phức tạp trong thời gian tới, khuyến cáo gia đình theo dõi, phát hiện trẻ nhiễm bệnh để cách ly và điều trị kịp thời.

Sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Morbillivirus gây ra, thường gây sốt, phát ban, chảy nước mắt nước mũi. Bệnh lây lan trước và sau khi phát ban 4 ngày.

Sởi gây nhiều biến chứng cho người mắc như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm màng não, viêm não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc. Theo CDC Mỹ, cứ 5 người chưa được tiêm chủng thì có 1 người mắc bệnh sởi phải nhập viện. Virus sởi còn làm suy yếu hệ miễn dịch khiến trẻ dễ bội nhiễm với các loại vi khuẩn khác, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp và khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.

Để tăng hiệu quả phòng bệnh, bác sĩ Chính khuyến cáo gia đình thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sống, đồ chơi, mặt sàn hay nhật vật dụng trẻ thường xuyên cầm nắm, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Bên cạnh đó, người thân và người chăm sóc trẻ tiêm vaccine sởi đầy đủ để tránh lây bệnh.

Bản đồ