Gần 40 tuổi mới phát hiện tim bẩm sinh
TP HCMChị Nhung, 39 tuổi, cảm thấy nóng ran, choáng váng, huyết áp tăng cao, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh còn ống động mạch.
Chị Nhung tự đo huyết áp tại nhà ghi nhận 220/120 mmHg, nghĩ do làm việc căng thẳng, mua thuốc hạ huyết áp uống. Hôm sau huyết áp tiếp tục tăng cao, bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán chị mắc bệnh tim bẩm sinh, tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ kiểm tra lâm sàng ghi nhận tim có âm thổi liên tục bất thường, siêu âm tim xác nhận còn ống động mạch, hở van hai lá nhẹ. Chị Nhung không có tiền sử huyết áp cao hay bệnh lý khác, gia đình cũng không ai mắc bệnh tim.
"Còn ống động mạch thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trường hợp 39 tuổi mới phát hiện ít gặp", GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói, giải thích thêm đường kính ống động mạch của người bệnh nhỏ nên không gây ra triệu chứng trong nhiều năm, một số dấu hiệu dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác.
Ống động mạch là một phần bình thường của hệ thống tuần hoàn bào thai, thường đóng lại ngay sau khi trẻ chào đời. Bệnh còn ống động mạch xảy ra khi ống động mạch không tự đóng được trong những tuần đầu sau sinh. Điều này khiến máu lưu thông trực tiếp từ động mạch chủ qua động mạch phổi, dẫn đến gia tăng dòng máu vào hệ tuần hoàn phổi, tăng lượng máu trở về tim trái. Bệnh có thể gây biến chứng tăng áp động mạch phổi, suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị tối ưu là bít ống động mạch bằng dù qua ống thông. Đây là kỹ thuật can thiệp tim mạch ít xâm lấn, không cần mổ hở, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Thủ thuật diễn ra khoảng 30 phút, chị Nhung được gây tê tại chỗ, tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Êkíp chọc kim vào tĩnh mạch và động mạch đùi, luồn ống thông nhỏ vào động mạch chủ, bơm thuốc cản quang để hiển thị rõ hình ảnh ống động mạch trên màn hình. Dưới sự hướng dẫn của hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), bác sĩ xác định chính xác vị trí, kích thước và hình dạng của ống động mạch, chọn loại dù có kích thước phù hợp để bít. Êkíp chụp lại mạch xác nhận dù đặt đúng vị trí, không rò, không ảnh hưởng đến cấu trúc tim lân cận.
Hai ngày sau can thiệp, chị được xuất viện, uống thuốc và tái khám theo lịch hẹn.
Theo giáo sư Nhân, hiện có hai phương pháp ngoại khoa điều trị còn ống động mạch là can thiệp đóng ống động mạch bằng dù và phẫu thuật thắt ống động mạch bằng chỉ khâu hoặc kẹp. Trường hợp ống động mạch không quá lớn, có cấu trúc giải phẫu phù hợp, có khả năng áp dụng can thiệp bít dù. Nếu ống động mạch lớn, kèm theo các dị tật tim khác, có thể phẫu thuật để sửa chữa đồng thời các tổn thương. Người trưởng thành khi xuất hiện triệu chứng bất thường như khó thở, mệt mỏi, hụt hơi, tăng huyết áp đột ngột... cần đi khám sớm, tránh biến chứng.