Em bé thoát chết nhờ kỹ thuật 'ngủ đông'
Phú ThọBé trai 3,3 kg chào đời bị tổn thương não do ngạt khí, bác sĩ dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt (ngủ đông), đưa nhiệt độ hạ xuống 33,5 độ C trong 72 giờ, cứu sống trẻ.
Ngày 27/12, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết mẹ bé có dấu hiệu suy thai nên được chuyển mổ cấp cứu. Sau sinh, trẻ tím tái, không khóc, không phản xạ sơ sinh, da nhuốm phân su. Ngay tại phòng mổ, trẻ được bóp bóng, đặt ống nội khí quản và chuyển vào Khoa Sơ sinh điều trị.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp nặng, bệnh lý não thiếu máu cục bộ - thiếu oxy (HIE) và hội chứng hít phân su. Ê kíp đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền trung tâm, theo dõi huyết áp liên tục, điều trị kháng sinh...
Ngoài các biện pháp hồi sức tích cực, bác sĩ còn áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy nhằm ngăn chặn tế bào não bị tổn thương, giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi sự phát triển tinh thần và vận động sau này. Nhiệt độ cơ thể bệnh nhi được hạ từ 37 độ C xuống 33,5 độ C, duy trì trong 72 giờ, sau đó tăng dần về mức bình thường.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, hồng hào, phản xạ sơ sinh tốt, tự thở, tập bú mẹ và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Lê Phong Phú, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, cho biết theo thống kê, khoảng 3 - 5/1.000 trẻ bị sinh ngạt, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hoặc để lại di chứng não như chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não, trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Trước đây, trẻ bị ngạt sau sinh chỉ được điều trị hỗ trợ, không có biện pháp đặc hiệu. Các tổn thương thiếu oxy ở tim, gan, thận có thể phục hồi, nhưng tế bào não khi bị tổn thương lại không thể tái tạo, dẫn đến tỷ lệ tử vong và di chứng tâm thần vận động hoặc bại não rất cao.
Nhờ liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, tổn thương não được hạn chế tối đa. Phương pháp này cần được thực hiện sớm, tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu sau sinh để đạt hiệu quả cao nhất.
Sau điều trị, trẻ cần được theo dõi liên tục và tái khám định kỳ để đánh giá sức khỏe.