Đột ngột mất khả năng nói tiếng Anh
Một phụ nữ 24 tuổi, ở Trung Quốc, khiến các bác sĩ bối rối khi bất ngờ không thể nói tiếng Anh, dù cô từng thông thạo ngôn ngữ này.
Wan Feng, Giám đốc Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Quảng Đông, cho biết sự việc xảy ra trong một buổi học hôm 17/5. Người phụ nữ bất ngờ phát bệnh và xuất hiện triệu chứng lạ là không thể phát âm hay giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong khi đó, cô nói được tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông như bình thường.
"Cô ấy từng đi du học hơn một năm và có nền tảng tiếng Anh rất tốt. Nhưng sau cơn bệnh, cô ấy chỉ còn có thể nói tiếng mẹ đẻ", bác sĩ Wan nói.
Lo lắng vì mất khả năng sử dụng tiếng Anh, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông để kiểm tra. Các bác sĩ ban đầu nghi ngờ cô có khối u não ảnh hưởng đến vùng kiểm soát ngôn ngữ. Tuy nhiên, kết quả chụp MRI cho thấy người phụ nữ bị xuất huyết ở vùng vận động bên trái não. Tình trạng này là nguyên nhân khiến cô tạm thời mất khả năng nói tiếng Anh.
Sau khi được phẫu thuật não để giảm áp lực, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục khả năng nói tiếng Anh và tiếp tục kế hoạch học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, câu chuyện của cô đã thu hút nhiều bình luận hài hước trên mạng xã hội.
"Ca phẫu thuật kiểu gì mà nói được tiếng Anh vậy?", một người dùng Weibo viết.
"Bác sĩ ơi, giường số ba muốn đặt lịch phẫu thuật tiếng Đức, cảm ơn nhé!", một bình luận khác nói đùa.
Dù mang yếu tố hài hước, câu chuyện cũng gợi mở nhiều câu hỏi về mối liên hệ phức tạp giữa não bộ và ngôn ngữ, đặc biệt trong các trường hợp tai biến ảnh hưởng đến vùng não chi phối khả năng nói một ngôn ngữ thứ hai.
Hiện tượng đột ngột mất khả năng nói một ngôn ngữ hoặc bắt đầu nói với giọng lạ đã được ghi nhận trong y văn, liên quan đến các rối loạn thần kinh hiếm gặp như mất ngôn ngữ (aphasia) và hội chứng nói giọng nước ngoài (Foreign Accent Syndrome - FAS).
Mất ngôn ngữ (aphasia) là một rối loạn ngôn ngữ xảy ra khi có tổn thương tại các vùng não kiểm soát ngôn ngữ, thường do đột quỵ hoặc chấn thương sọ não. Người mắc có thể gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, đọc hoặc viết, dù trí tuệ vẫn bình thường. Theo Cleveland Clinic, aphasia có thể xuất hiện đột ngột và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp hàng ngày của người bệnh.
Trong khi đó, hội chứng nói giọng nước ngoài (FAS) là một rối loạn vận động lời nói hiếm gặp, khiến người bệnh đột nhiên nói với giọng khác biệt, nghe giống như giọng nước ngoài. FAS thường xảy ra sau đột quỵ, chấn thương đầu hoặc các tổn thương não khác. Người bệnh không cố ý thay đổi giọng nói, và điều này có thể gây khó khăn trong giao tiếp và ảnh hưởng đến tâm lý.
Một trường hợp đáng chú ý là bà Althia Bryden, 58 tuổi, người Anh, sau khi hồi phục từ một cơn đột quỵ, đã bắt đầu nói với giọng Ý, dù chưa từng học ngôn ngữ này. Các bác sĩ chẩn đoán bà mắc hội chứng FAS, và hiện tượng này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Các chuyên gia thần kinh cho biết, những rối loạn này tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra, đặc biệt sau các tổn thương não. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, bao gồm liệu pháp ngôn ngữ và hỗ trợ tâm lý, có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng và chất lượng cuộc sống.