Điều gì xảy ra khi uống cà phê mỗi ngày?
Uống cà phê điều độ mỗi ngày có thể thúc đẩy não bộ, cải thiện hiệu suất tập luyện nhưng cũng làm tăng huyết áp tạm thời và cảm giác bị phụ thuộc.
Cà phê là thức uống quen thuộc của nhiều người. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), người lớn khỏe mạnh có thể dùng 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4-5 tách cà phê đã pha. Người mắc các bệnh lý tiềm ẩn, thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Uống cà phê mỗi ngày có thể tác động đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.
Thúc đẩy sức khỏe não bộ
Uống cà phê vừa phải có thể tăng tỉnh táo, tập trung đồng thời ngăn chặn cảm giác buồn ngủ. Điều này là do caffeine liên kết với các thụ thể trong não để ngăn mệt mỏi. Cà phê cũng có thể hỗ trợ chức năng nhận thức và trí nhớ. Lượng tiêu thụ 1-2 tách mỗi ngày giúp phòng bệnh Alzheimer, chứng mất trí nhớ cũng như suy giảm nhận thức.
Tăng huyết áp tạm thời
Caffeine có khả năng thu hẹp các mạch máu nên có thể làm tăng huyết áp trong 30 phút đầu tiên sau khi tiêu thụ. Mức tăng này có xu hướng chững lại sau khoảng 3-4 giờ sau đó. Tác dụng này ít xảy ra ở người khỏe mạnh thường xuyên uống cà phê. Người bị căng thẳng kinh niên dễ gặp hơn do caffeine có thể kích hoạt giải phóng nhiều hormone gây căng thẳng, dẫn đến tăng huyết áp.
Ảnh hưởng giấc ngủ
Tiêu thụ một lượng nhỏ caffeine có thể chống lại mệt mỏi. Tuy nhiên, dung nạp quá nhiều chất này, tức hơn 4 tách cà phê mỗi ngày, thường gây lo lắng, tim đập nhanh, bồn chồn và mất ngủ, theo Mayo Clinic.
Uống cà phê muộn hơn trong ngày có thể gây khó ngủ. Song với một số người, giấc ngủ vẫn bị ảnh hưởng bởi lượng caffeine hấp thụ ngay cả khi tiêu thụ vào sáng sớm. Điều này liên quan đến di truyền, yếu tố quyết định khả năng chuyển hóa caffeine hiệu quả. Nó cũng do tuổi tác bởi khi già đi, khả năng chuyển hóa chất này của cơ thể kém hơn.
Bị phụ thuộc caffeine
Người uống cà phê có thể làm việc hiệu quả, tràn đầy năng lượng, tỉnh táo hơn. Những lợi ích này là kết quả của việc caffeine làm thay đổi chất hóa học trong não. Cụ thể, nó ngăn chặn adenosine - chất dẫn truyền thần kinh trong não thúc đẩy giấc ngủ và cảm giác thư giãn. Chính vì vậy, uống cà phê giúp xua tan cảm giác mệt mỏi, uể oải. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ thể có thể bắt đầu sản xuất quá nhiều adenosine để bù đắp lại, lúc này người dùng bị phụ thuộc vào cà phê để tỉnh táo.
Tăng hiệu suất tập luyện
Cà phê là thức uống tăng cường năng lượng nên có lợi cho người tập thể dục. Nếu tiêu thụ một lượng vừa phải, khoảng 30-60 phút trước khi tập luyện, caffeine làm tăng lưu lượng máu, giảm tốc độ gắng sức, nhờ đó cải thiện hiệu suất tốt hơn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính
Hạt cà phê cung cấp chất chống oxy hóa chống lại một số bệnh tật. Uống 3-4 tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson, tiểu đường type 2, trầm cảm... Tuy nhiên, lợi ích này còn phụ thuộc vào loại cà phê.
Cà phê đen nguyên chất thường có lợi cho sức khỏe do hàm lượng calo thấp, không thêm đường hoặc chất béo. Nó hỗ trợ tối đa hóa lợi ích của chất chống oxy hóa trong cà phê mà không cần thêm calo.