Dấu hiệu bệnh nhược cơ

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dấu hiệu bệnh nhược cơ

Dấu hiệu bệnh nhược cơ
Yếu tay chân, sụp mí, nhìn đôi, nuốt khó, suy hô hấp, vẻ mặt vô cảm là những dấu hiệu phổ biến của bệnh nhược cơ do tổn thương thần kinh cơ.

Ở giữa các tế bào thần kinh là các khớp thần kinh (còn gọi là khe synap). Nhược cơ hay tổn thương thần kinh cơ, yếu cơ là bệnh lý tự miễn tại các điểm nối thần kinh cơ trên cơ thể. Ở người bệnh nhược cơ, cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại quá trình gắn thụ thể acetylcholine (AChR) ở màng sau khe synap, làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh qua các khe này với biểu hiện mỏi cơ, yếu cơ hoặc liệt vận động.

BS.CKI Nguyễn Ngọc Công, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đặc trưng của bệnh là yếu cơ có tính chất dao động theo thời điểm trong ngày. Thông thường, buổi sáng các cơ khỏe hơn buổi chiều hoặc cơ yếu dần khi người bệnh hoạt động quá sức. Sức cơ có thể được cải thiện khi nghỉ ngơi. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh nhược cơ.

Cơ mắt: Theo bác sĩ Công, hơn 50% người bệnh nhược cơ có biểu hiện ban đầu ở cơ mắt. Trong đó, khoảng 15% người bệnh chỉ có triệu chứng ở mắt và không lan ra các cơ khác. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm sụp mi, nhìn một bên, nhìn đôi (nhìn một vật thấy hai hình ảnh), khó nhắm mắt hoàn toàn...

Cơ hầu họng: Đặc trưng là cơ nhai và cơ vòm miệng. Người bệnh thường thấy cơ nhai yếu rõ hơn khi nhai kéo dài (nhai mệt), nhai thức ăn dai, cứng. Người bệnh cũng có thể phải dùng bàn tay đặt dưới hàm để hỗ trợ ngậm miệng trong trường hợp yếu cơ nhai.

Biểu hiện yếu cơ vòm miệng là nuốt khó, nói khó, giọng nói thay đổi, nghe như giọng mũi. Người bệnh cũng dễ mắc chứng khó nuốt khi ăn uống, thức ăn dễ rơi vào phổi gây hít sặc, suy hô hấp hoặc viêm phổi.

Cơ cổ và cơ tứ chi: Khó thực hiện các hoạt động như nâng đồ vật, đứng dậy từ tư thế ngồi, leo cầu thang hay đánh răng, dáng đi kém linh hoạt. Người bệnh nhược cơ cũng có thể yếu cơ cổ, gặp "hội chứng đầu rơi" (khó khăn khi giữ đầu ngẩng cao).

Cơ mặt: Bệnh nhược cơ ảnh hưởng cơ mặt, làm mặt người bệnh có vẻ mặt vô cảm. Người thân có thể nhận thấy người bệnh "mất nụ cười" do yếu các cơ vòng môi.

Cơ hô hấp: Nhược cơ khiến cơ hô hấp yếu, dẫn đến suy hô hấp có thể đe dọa tính mạng, gây tử vong.

Theo bác sĩ Công, nhược cơ là bệnh mạn tính nhưng có thể điều trị được. Mục tiêu chính điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng, giảm tác dụng phụ của thuốc. Sau điều trị, người bệnh có thể có đầy đủ các chức năng hoạt động của các cơ.

Bốn liệu pháp được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ bao gồm điều trị triệu chứng, ức chế miễn dịch mạn tính, điều trị phẫu thuật (cắt bỏ tuyến ức) và điều trị điều hòa miễn dịch cấp (thay huyết tương và truyền globulin miễn dịch tĩnh mạch). Các thuốc được sử dụng điều trị cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh cần đến bệnh viện khám để bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp, tránh tự ý sử dụng thuốc vì có thể làm bệnh năng hơn.

Bản đồ