Cô gái trút bỏ 30 kg bằng mẹo 'ăn no không tích mỡ'

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cô gái trút bỏ 30 kg bằng mẹo 'ăn no không tích mỡ'

Cô gái trút bỏ 30 kg bằng mẹo 'ăn no không tích mỡ'
TP HCMCân nặng tăng lên 96 kg, Thanh Thúy bị gan nhiễm mỡ, rối loạn nội tiết, quyết tâm giảm cân bằng bí quyết "ăn no không tích mỡ".

Phùng Thanh Thúy, 26 tuổi, bị tăng cân nhanh từ năm học cấp hai do ăn uống không điều độ, tiêu thụ nhiều đồ ngọt, trà sữa, đồ chiên rán. Cô "trung thành" với phong cách áo phông, quần vải hoặc quần áo tối màu, "hầu như năm nào cũng phải thay đồng phục mới". Khi cân nặng tăng vọt lên 96 kg, cô mới nhận thức được sự khác biệt.

Cân nặng quá khổ khiến cô gái 1,55 m luôn tự ti, hoạt động khó khăn, vận động chậm. Cô hay chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống, ù lì. Vòng eo hơn 100 cm khiến Thúy nhiều lúc không thể mua quần áo. Cô bị mất kinh cả năm, nổi nhiều mụn kèm nhiều bệnh nền nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, nguy cơ tiểu đường. "Chỉ cần đi bộ vài trăm mét là mình bị thở dốc, ù lì, chậm chạp, luôn tụt lại phía sau", Thúy nói.

Đầu năm 2023, Thúy đi khám, bác sĩ cho rằng "không giảm cân là nguy hiểm tính mạng". Cô nhận ra sức khỏe sa sút hơn, dù đang ở tuổi khỏe mạnh nhất, quyết định nghiêm khắc hơn để giảm cân.
"Hàng loạt khó khăn ập đến", Thúy nhớ lại. Như mọi người, cô tập nhịn ăn, ăn uống tiêu cực, uống thuốc giảm cân nhưng chỉ giảm vài cân rồi tăng lại. Thúy luôn cảm thấy người mệt mỏi, kinh nguyệt không có lại.

"Chẳng lẽ béo mập thế này cả đời", cô nghĩ và nhận ra phải thay đổi lối sống tích cực, dinh dưỡng kết hợp tập luyện.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhịn ăn là điều 99% người muốn giảm cân nghĩ đến đầu tiên. Đây là cách cắt giảm calo dễ nhận thấy nhất và cũng đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhịn ăn không đúng cách sẽ gây nguy hại khôn lường, ảnh hưởng sức khỏe.

Quy tắc giảm cân là lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục.

Do đó, Thúy quyết định chọn phương pháp ăn thâm hụt kết hợp quy tắc "ăn no không tích mỡ" để giảm cân an toàn. Lúc này, cân nặng của cô là 90 kg.

Đầu tiên, cô vẫn ăn đủ nhóm chất, chỉ thay đổi cách chế biến và kiểm soát lượng thức ăn hàng ngày, không để vượt qua calo quy định. Cô cho biết không phải cứ ăn ít là giảm cân, "đôi khi chỉ một gói bim bim nhỏ cũng vài trăm đến vài nghìn calo, nhiều phụ gia nguy hiểm, khiến tăng cân nhanh hơn".

Do đó, cô vẫn bổ sung đầy đủ ăn tinh bột, chất béo, chất xơ, ưu tiên rau và trái cây để hạn chế thèm ăn. Bữa ăn của Thúy giống như các thành viên khác trong gia đình, như gà, tôm, thịt heo, cơm trắng, không cần thiết ăn gạo lứt, bún lứt. Khi đói, Thúy bổ sung thêm các loại quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, củ đậu, bưởi, thanh long, táo và hạn chế xoài, sầu riêng. Giai đoạn đầu, calo tiêu chuẩn của cô là từ 1800 đến 2000, sau đó giảm còn 1300 calo.

"Trước đây mình nghĩ cả ngày nhịn ăn, chỉ uống một ly trà sữa thì sẽ giảm cân. Song, việc không đảm bảo ăn đủ bữa, khoa học vừa khiến tăng cân vừa làm mình suy nhược, mắc nhiều bệnh hơn", Thúy nói.

Theo PGS Tuấn, nhiều người cho rằng bản thân ăn ít, thậm chí chỉ uống nước vẫn béo. Ngược lại, một số người ăn nhiều vẫn không thể tăng cân. Thực tế, tốc độ trao đổi chất cơ bản là mức độ calo mà cơ thể bạn tiêu thụ để duy trì các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa. Nếu tốc độ trao đổi chất cơ bản nhanh hơn, bạn sẽ đốt cháy calo nhiều hơn và dễ giảm cân hơn. Ngược lại, nếu tốc độ trao đổi chất chậm, bạn sẽ đốt cháy calo ít hơn và dễ tăng cân.

Khi bạn ăn nhiều nhưng thành phần dinh dưỡng không cân đối, ví dụ nhiều thức ăn có chứa chất béo và đường, trong khi đó lại thiếu một số chất thiết yếu cho nhu cầu cơ thể, bạn sẽ vẫn luôn cảm thấy đói và thèm ăn. Khi đó, những chất bạn ăn vào lại không cần thiết nên đã chuyển thành mỡ dự trữ, những chất cơ thể cần lại không được cung cấp, về lâu dài gây tăng cân.
Ngoài dinh dưỡng, Thúy duy trì tập gym, cardio mỗi ngày, mỗi buổi từ một đến hai tiếng. Thời gian đầu, cô ưu tiên tập tạ, sau đó kết hợp thêm nhảy dây, đạp xe, khoảng 30 phút để tăng cơ bắp, thon gọn người. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bài tập gym có tác dụng kích thích sản sinh hormone, nhờ vậy cơ bắp có thể hấp thụ được lượng axit amin cần thiết và trở nên săn chắc hơn. Tập gym đúng cách giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra suôn sẻ hơn, giảm cân hiệu quả và an toàn.

"Có thể thành quả của mình không nhanh bằng người khác khác nên mình phải duy trì đều đặn để đạt hiệu quả cao nhất", Thúy nói.

Nhờ đó, Thúy cảm nhận cơ thể ngày càng khỏe mạnh hơn, không còn bị ốm vặt, không đau mỏi vai gáy, giảm mụn, kinh nguyệt đều, da đẹp hơn. Thúy ngủ ngon và sâu giấc, leo cầu thang không còn bị hụt hơi. Cô tự tin hơn khi giảm 3-4 size quần áo, vòng eo giảm còn 70 cm.
Tháng đầu tiên, cô giảm 4 kg, sau đó mỗi tháng giảm từ 2-3 kg. Hiện, cô duy trì cân nặng 58 kg, mục tiêu giảm xuống 54-55 kg. Cô chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội để truyền động lực đến mọi người.

"Ai bắt đầu cũng gặp muôn vàn khó khăn. Chỉ khi bản thân thấy hiệu quả của giảm cân thì hành trình này dường như đơn giản hơn rất nhiều", Thúy chia sẻ.

Bản đồ