Biến chứng hẹp niệu quản sau tán sỏi

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biến chứng hẹp niệu quản sau tán sỏi

Biến chứng hẹp niệu quản sau tán sỏi
Hà NộiAnh Minh, 28 tuổi, đau âm ỉ vùng thắt lưng gần một năm, bác sĩ phát hiện hẹp niệu quản trái do biến chứng sau tán sỏi.

Anh Minh được tán sỏi niệu quản và đặt ống thông tiểu JJ năm ngoái. Sau khi rút ống, anh khó chịu vùng thận, bác sĩ chỉ định tiếp tục điều trị sỏi. Các triệu chứng không giảm, đeo ống thông lâu ngày khiến anh tiểu buốt, tiểu máu, đi lại khó khăn.

PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết anh Minh bị hẹp niệu quản do biến chứng sau tán sỏi nội soi ngược dòng. Đây là tình trạng hẹp trong lòng niệu quản gây cản trở nước tiểu lưu thông từ thận xuống bàng quang, có thể gây nhiều biến chứng như đau mỏi thắt lưng kéo dài, viêm đài bể thận, ứ nước ứ mủ thận, suy thận. Hẹp niệu quản có thể xảy ra sau các phẫu thuật niệu quản, phẫu thuật ổ bụng, hẹp do sỏi hoặc do bệnh lý ở niệu quản như u niệu quản, lao tiết niệu...

Phó giáo sư Hinh điều trị cho anh Minh bằng phương pháp nội soi xẻ niệu quản bằng laser công suất lớn xuôi dòng từ trên thận xuống. Bác sĩ đưa dây dẫn đường qua chỗ hẹp, dùng tia laser để xẻ vòng xơ của niệu quản từ niêm mạc đến lớp cơ, giữ lại thanh mạc (thành niệu quản). Sau khi xẻ rộng niệu quản qua hết lớp xơ sẹo, bác sĩ đặt ống thông JJ ở vị trí hẹp nhằm tái thông dòng tiểu, ngăn các biến chứng, giúp bảo tồn chức năng thận, hạn chế tối đa tỷ lệ tái phát. Trước mổ, anh được sử dụng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn sau thời gian dài đeo ống thông.
Theo phó giáo sư Hinh, xẻ hẹp niệu quản bằng laser công suất cao và đặt ống thông JJ là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu. Laser với bước sóng ngắn, phát liên tục như dao mổ đặc biệt, có thể đưa theo máy nội soi đi sâu vào hệ tiết niệu, làm bốc hơi nhanh mô thừa khi cắt. Độ xuyên mô nông khoảng dưới 2 mm giúp bác sĩ dễ kiểm soát mức độ tổn thương, ít gây hại mô xung quanh. Phương pháp này ít xâm lấn với khả năng cầm máu tốt, cắt mô chính xác, ít làm tổn thương các mô xung quanh, giảm thời gian thực hiện thủ thuật và nằm viện, tăng kết quả điều trị.

Ngay sau xẻ, vị trí hẹp niệu đạo của anh Minh nở rộng như bình thường. Anh được đặt thêm JJ khoảng 1-3 tháng qua đoạn hẹp để dẫn lưu nước tiểu, tránh tái phát hẹp. Ngày thứ ba sau mổ, người bệnh được rút ống dẫn lưu bể thận và xuất viện vào hôm sau, trở lại cuộc sống bình thường.

Việt Nam nằm trong "vành đai sỏi" của thế giới với khoảng 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo (ở nam giới). Theo phó giáo sư Hinh, các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn đều khá an toàn, tỷ lệ xảy ra biến chứng không nhiều. Tuy nhiên, người bệnh nên chăm sóc sức khỏe và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm, phát hiện sớm tình trạng bệnh để được điều trị.

Niệu quản có độ dài trung bình 25-28 cm, đường kính ngoài, khoảng 4-5 mm, lòng rộng khoảng 2-3 mm. Phó giáo sư Hinh khuyến cáo hẹp niệu quản có thể diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng hoặc có các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với sỏi tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu. Mức độ hẹp và thời gian hẹp càng kéo dài càng ảnh hưởng nhiều tới chức năng thận. Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng, do đó nên duy trì khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng.

Điều trị hẹp đường niệu nói chung và hẹp niệu quản nói riêng có nhiều phương pháp ít xâm lấn. Tình trạng hẹp có nguy cơ tái phát nên người bệnh cần tái khám định kỳ 3-6 tháng, uống đủ nước.

Bản đồ