Bé trai 7 tuổi tử vong sau khi bị chó hoang vào trường cắn

bannermoi

slide1 slide2 slide3 slide4 slide5 slide6 slide7 slide8 slide9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bé trai 7 tuổi tử vong sau khi bị chó hoang vào trường cắn

Bé trai 7 tuổi tử vong sau khi bị chó hoang vào trường cắn
(Dân trí) - Sau khi bị chó hoang vào trường cắn, gia đình không đưa cháu bé đi tiêm ngừa mà tìm đến thầy lang để điều trị.
Ngày 31/10, Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một trường hợp mắc bệnh dại dẫn đến tử vong.

Nạn nhân là bé trai N.H.T. (SN 2017, ở khối Thanh Quýt 4, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn).
Theo lời kể của người nhà và nhà trường, khoảng 14h ngày 13/9, cháu N.H.T. đi học tại Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống (khối Thanh Quýt 3, Điện Thắng Trung), bị chó hoang vào trường cắn ở cẳng tay.

Sau khi bị chó cắn, cháu T. được cô giáo trong trường rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối, sau đó báo tin với mẹ nạn nhân và tư vấn đi tiêm chủng để phòng bệnh.

Tuy nhiên, người nhà không dẫn bé đi tiêm phòng dại, mà đưa đến thầy lang tên Vui, ở chợ Lệ Trạch, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để chữa trị.

Ngày 10/10, cháu T. xuất hiện các triệu chứng sốt, kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần, được gia đình cho nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Tại đây bệnh nhân sốt, nôn, kèm theo sưng nề lưỡi, rối loạn hành vi, trẻ cắn lưỡi một bên.

Ngày 11/10, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, mệt, sợ ánh sáng. Bệnh nhân được chuyển gấp ra Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng.

Qua 3 lần lấy mẫu xét nghiệm, ngày 26/10, bệnh viện mới xác định cháu bị bệnh dại. Gia đình đưa cháu về nhà và nạn nhân tử vong.

Theo Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, con chó cắn cháu T. là chó hoang không được xích nhốt, không rọ mõm, đã cắn ít nhất 2 người; tình trạng chó kích thích, chạy rông ngoài đường và mất tích sau khi cắn người.

Sở Y tế Quảng Nam khuyến cáo, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi đã mắc bệnh, không có thuốc chữa và tỷ lệ tử vong 100%.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào trong 15 phút, càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy với xà phòng; sát khuẩn bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn, trước khi đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả tỉnh Quảng Nam xuất hiện 12 ổ dịch dại tại 5 huyện, thị; trong đó, có 3 ổ dịch được phát hiện từ những con chó vô chủ mang vi rút dại vào địa bàn.

Số người bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng cũng tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm, với 5.760 người (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).

Có 13 người dương tính với virus dại, 2 người đã tử vong; 667 trường hợp chó, mèo có biểu hiện bệnh, lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.

Bản đồ