Bé 4 tuổi mắc hội chứng thận hư
TP HCMBé Minh, 4 tuổi, sưng phù mí mắt, chân tay, bìu, tăng 3 kg trong ba ngày, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng thận hư.
Bé nặng 22 kg, ba ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sưng phù nghi bị dị ứng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám cân 25 kg, không sốt, không nổi ban. Ngày 12/12, ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả xét nghiệm máu của bé cho thấy đạm albumin giảm còn 16 g/L (bình thường trên 25 g/L), nước tiểu có đạm, chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận hư.
Hội chứng thận hư có ba loại, dựa vào nguyên nhân, gồm thận hư tiên phát, thứ phát và bẩm sinh. Hội chứng thận hư thứ phát xảy ra sau khi mắc các bệnh như nhiễm trùng, bệnh lý hệ thống, do thuốc, ung thư... Hội chứng thận hư bẩm sinh xảy ra trong ba tháng đầu sau khi trẻ chào đời nhưng ít gặp. Hội chứng thận hư tiên phát là tình trạng tổn thương cầu thận, phần lớn không rõ nguyên nhân. "Bé Minh mắc hội chứng thận hư tiên phát", bác sĩ Lộc nói, thêm rằng bệnh thường gặp ở trẻ 1-10 tuổi, tỷ lệ bé trai cao hơn bé gái.
Bác sĩ điều trị cho bé Minh bằng thuốc corticoid, bổ sung canxi phòng ngừa loãng xương. Sau 5 ngày, bé đáp ứng thuốc tốt, giảm sưng phù, không có biến chứng cấp như đau bụng, thuyên tắc, vô niệu, suy thận nên bé được xuất viện về nhà. Bác sĩ khuyên tái khám theo chỉ định để đánh giá tình trạng bệnh, kê đơn thuốc phù hợp.
Theo bác sĩ Lộc, trẻ bị hội chứng thận hư được điều trị bằng thuốc trong khoảng 4-5 tháng, tăng hoặc giảm liều lượng tùy đáp ứng điều trị. Người bệnh dùng thuốc kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn nhạt. Tuy nhiên, khoảng 10-20% trẻ mắc hội chứng thận hư tiên phát không đáp ứng thuốc và có nguy cơ chuyển biến thành suy thận mạn.
Triệu chứng phù nề của bệnh thận hư có thể bị nhầm lẫn với suy dinh dưỡng thể phù, dị ứng... Bên cạnh tăng cân, phù toàn thân, trẻ có thể có biểu hiện tiểu ít, nước tiểu màu đỏ và có bọt, tăng huyết áp, mệt mỏi, chán ăn. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, nặng hơn là suy thận, nhiễm trùng huyết. Trường hợp kháng thuốc có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận, phải lọc máu, ghép thận.
Phác đồ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em thường kéo dài, vì vậy cần kiên trì tuân thủ theo đúng các chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc. Bên cạnh đó chế độ dinh dưỡng của trẻ đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Nên hạn chế cho trẻ ăn mặn, ăn muối trong giai đoạn phù để tránh nguy cơ tăng huyết áp và cải thiện tình trạng phù. Đảm bảo các nhóm dưỡng chất thiết yếu trong thực đơn hàng ngày, đặc biệt là protein.