Bé 11 tuổi điếc đột ngột sau mắc cúm
Hà NộiBé Liên, 11 tuổi, sốt, ho, sổ mũi do cúm, uống thuốc một tuần hết triệu chứng thì đột ngột điếc tai trái, bác sĩ nghi do biến chứng cúm.
ThS.BS Trần Thị Hoa, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết màng nhĩ bên trái của bé Liên có sẹo nhĩ, kém sáng, tai giữa không có dịch. Đây là dấu hiệu tổn thương sâu, trong khi tai phải hoàn toàn bình thường. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy mũi có dịch mủ đọng, họng đỏ, amidan và niêm mạc họng viêm, thành sau họng đọng dịch.
"Bệnh nhi bị điếc đột ngột sâu tai trái sau nhiễm cúm", bác sĩ Hoa nói, thêm rằng đây là biến chứng hiếm nhưng nguy hiểm, có thể xảy ra khi virus tấn công dây thần kinh thính giác hoặc các tế bào cảm âm trong ốc tai. Virus cúm gây viêm lan rộng từ mũi - họng - tai giữa - tai trong. Một số chủng cúm có thể kích hoạt phản ứng viêm miễn dịch quá mức, làm tổn thương mạch máu nhỏ nuôi thần kinh tai trong. Tổn thương này diễn ra âm thầm, ban đầu chỉ là ù tai nhưng có thể chuyển thành điếc vĩnh viễn nếu không điều trị sớm.
Virus cúm gây viêm mũi, làm tăng tiết dịch, dịch nhầy chảy vào tai giữa (mang theo virus). Hệ miễn dịch của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên khả năng chống lại tác nhân gây bệnh kém, dễ viêm tai giữa hơn khi mắc cúm. Viêm tai giữa không được điều trị đúng cách, kịp thời gây ra các biến chứng nghiêm trọng như thủng màng nhĩ, giảm thính lực đột ngột hoặc vĩnh viễn...
Bệnh thường không có dấu hiệu báo trước, diễn tiến nhanh trong vòng vài giờ hoặc tối đa ba ngày. Người bệnh thường cảm thấy tai ù, nghe kém rõ rệt hoặc không còn nghe được ở một bên tai và có thể gây mất thính lực vĩnh viễn nếu không xử lý kịp thời.
Bé Liên được can thiệp đặt ống thông khí màng nhĩ và đưa thuốc vào tai giữa. Tuy nhiên, kiểm tra thính lực sau đó không thấy cải thiện. Theo bác sĩ Hoa, điếc đột ngột là tình huống cấp cứu, khoảng thời gian điều trị hiệu quả nhất là trong vòng 24-48 giờ đầu. Sau đó, khả năng phục hồi thấp. Tiên lượng phục hồi thính lực tai trái của bé Liên hạn chế do tổn thương đã quá sâu. Bé Liên sẽ có thể đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai để hỗ trợ khả năng nghe.
Mất thính lực do cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người 30-60 tuổi. Trẻ em khi khó chịu ở tai dễ bị nhầm với viêm tai, viêm mũi thông thường, dẫn đến phát hiện và xử trí chậm trễ, khiến trẻ mất khả năng nghe, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, trẻ tự ti, giảm tập trung, ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ, giao tiếp xã hội.
Khi trẻ có biểu hiện nghe kém hay ù tai, đau tai, có tiếng kêu trong tai, lơ đãng hoặc phản ứng chậm với âm thanh, nhất là sau các đợt nhiễm siêu vi như cúm, bác sĩ Hoa khuyến cáo, phụ huynh cần đưa con đi khám chuyên khoa Tai mũi họng sớm. Không nên chủ quan hoặc tự điều trị kéo dài tại nhà vì nguy cơ cao biến chứng điếc như bé Liên. Phụ huynh nên cho con tiêm vaccine cúm hàng năm để góp phần phòng bệnh cúm và các biến chứng không mong muốn.