Áp xe ngực do phì đại tuyến vú
TP HCMChị Trang, 45 tuổi, bị áp xe, lở loét hai bên ngực, chảy mủ, đau nhức, bác sĩ khám phát hiện nguyên nhân do ngực phì đại và sa trễ mức độ ba.
Ngực chị Trang phát triển quá khổ, chảy xệ sau khi mang thai và sinh con cách đây 15 năm. Đây là lần thứ 10 chị bị áp xe, lở loét ở ngực. Mỗi lần như vậy chị đều điều trị ít nhất hai tuần mới khỏi.
Ngày 17/1, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thời điểm đến khám, chị Trang nặng 50 kg, riêng hai bầu ngực nặng khoảng 3 kg (hơn 3% trọng lượng cơ thể). Nhũ hoa thấp hơn chân ngực 12 cm, vùng da ngực quanh nhũ hoa nhăn nheo, hằn nhiều vết rạn.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị ngực phì đại và sa trễ mức độ ba. Vùng da hai bên ngực ma sát, tiết nhiều mồ hôi và không có không gian để khô ráo khiến nếp ngực lở loét, vi khuẩn tích tụ gây áp xe, chảy dịch mủ.
Theo bác sĩ Tấn, ngực phì đại, sa trễ do nhiều nguyên nhân như thay đổi của cơ thể vào các giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, hậu mãn kinh, di truyền... Chị Trang bị phì đại tuyến vú, sa trễ do mang thai. Trong thai kỳ và khi cho con bú, tuyến sữa của người mẹ phát triển nhanh và mạnh làm kích cỡ vòng một lớn hơn đáng kể. Lượng sữa lớn gây áp lực làm biến dạng mô mỡ, kích thước bầu ngực lớn, kéo giãn các dây chằng nâng đỡ, khiến da căng. Sau khi cai sữa, bầu ngực của người mẹ teo nhỏ, chảy xệ, da nhão, nhăn nheo. Cơ thể lão hóa theo thời gian cũng làm cho các dây chằng nâng đỡ ngực kém đàn hồi, gây sa trễ.
Chị Trang cần điều trị phì đại và sa trễ tuyến vú để ngăn ngừa viêm da, áp xe, chảy mủ tái phát. Trước khi phẫu thuật cắt bớt mô vú và treo ngực sa trễ, chị được vệ sinh vết thương, dùng kháng sinh nhằm cải thiện tình trạng lở loét.
Bác sĩ cắt bớt mô vú để thu gọn kích thước ngực, sau đó cắt giảm quầng nhũ hoa. Êkíp khâu xếp nếp mô ngực, cắt da thừa để bầu ngực được treo lên trên và căng tròn. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ hạn chế tác động vào dây thần kinh, giữ cảm giác cho bầu ngực, nhũ hoa. Sau phẫu thuật, bầu ngực của người bệnh nhỏ gọn, không còn nỗi lo bị áp xe, chảy dịch mủ.
Bác sĩ Tấn cho biết nhiều phụ nữ bị ngực phì đại, sa trễ nhưng ngại điều trị, lâu dài ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe như tê nhức tay, khó thở, mất cảm giác ở đầu nhũ hoa. Người bệnh có nguy cơ bị gù, biến đổi đốt sống cổ, thiểu năng tuần hoàn não do biến đổi mạch máu cổ, viêm da, áp xe vùng nếp ngực gây ảnh hưởng tâm lý, mặc cảm về ngoại hình.
Phẫu thuật thu gọn là phương pháp điều trị cho các trường hợp phì đại, sa trễ ngực. Trước khi phẫu thuật, người bệnh được siêu âm, chụp nhũ ảnh, MRI (nếu cần thiết) để kiểm tra các bất thường. Khi không có bất thường (nghi ngờ ung thư, u ác tính), bác sĩ tư vấn kế hoạch thu gọn ngực phù hợp dựa trên các yếu tố cân nặng, sinh đủ con chưa... Nếu người bệnh phì đại do thai kỳ cần đợi sinh con xong, tuyến vú ít thay đổi mới can thiệp thu gọn ngực, tránh chỉnh sửa ảnh hưởng về sau.