6 câu hỏi về tiêm vaccine phòng dại
Nhiều người dân thắc mắc nên tiêm bao nhiêu mũi vaccine dại, tiêm nhiều có ảnh hưởng trí nhớ hay dự phòng trước phơi nhiễm được không.
Ngày 19/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đăk Lăk báo cáo người phụ nữ 49 tuổi tử vong vì bệnh dại, sau hai tháng bị chó nhà cắn vào tay nhưng không tiêm vaccine.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, bệnh này có tỷ lệ tử vong gần 100%, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nhiều người chủ quan, chưa hiểu rõ việc phòng bệnh dại hoặc e ngại tác dụng phụ của vaccine, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Dưới đây là 5 thắc mắc thường gặp về vaccine dại:
Một người được tiêm nhiều mũi vaccine dại không?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngoài trường hợp trên, từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh dại khác. Nguyên nhân là bị động vật nghi dại cắn, không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vaccine, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.
Bác sĩ Chính chỉ ra tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp dự phòng duy nhất với bệnh dại. Vaccine cần tiêm đủ mũi, đúng liều, đúng lịch mới đảm bảo cơ thể sản xuất đủ lượng kháng thể chống lại virus dại.
"Vì thế, người tiêm cần tuân thủ đúng lịch tiêm, số mũi vaccine dại được bác sĩ chỉ định", bác sĩ nói.
Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại - Verorab (Pháp), Abhayrab (Ấn Độ), đều là vaccine bất hoạt, sản xuất theo công nghệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ.
Người bị động vật cắn, cào (nhưng chưa từng tiêm vaccine) gồm 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, với đường tiêm trong da.
Trong trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị chó mèo cắn, phác đồ gồm ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và các mũi tiêm nhắc dành cho người có nguy cơ cao.
Nếu đã tiêm đủ số mũi vaccine, lần bị cắn, cào sau sẽ tiêm hai mũi vào các ngày 0-3 qua đường bắp hoặc trong da.
Trường hợp đã phơi nhiễm cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Khi bị chó mèo cắn, dù vết thương nặng, bạn chỉ cần chích thêm hai mũi vào ngày 0 và 3, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Bác sĩ Chính tiết lộ VNVC ghi nhận nhiều trường hợp chủ động tiêm vaccine dại. Điển hình một phụ nữ ở Hà Nội tiêm 33 mũi vaccine dại trong bốn năm, hiện sức khỏe bình thường.
Tiêm nhiều vaccine dại có gây giảm trí nhớ?
Nhiều người lo lắng vaccine gây suy giảm trí nhớ, chần chừ không tiêm chủng hoặc tiêm muộn. Điều này có thể ảnh hưởng khâu phòng bệnh bởi sau khi xâm nhập cơ thể, virus dại sẽ theo dây thần kinh lên não, phá hủy hệ thần kinh trung ương, dẫn đến dại. Nếu chậm trễ tiêm ngừa, vaccine dại có thể không còn tác dụng.
Bác sĩ Chính giải thích lo lắng của người dân là có cơ sở bởi trước đây Việt Nam từng áp dụng vaccine dại được bào chế từ não chuột nên có tác dụng phụ, có thể ảnh hưởng trí nhớ. Hiện nước ta chuyển hẳn sang vaccine thế hệ mới - Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ).
Vaccine không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú, không gây ảnh hưởng thần kinh hay suy giảm trí nhớ. Ở các nước phát triển, bác sĩ thú y được tiêm phòng dại nhắc lại mỗi năm. Do đó, mọi người không nên e ngại tác dụng phụ mà bỏ lỡ thời gian tiêm chủng.
Có nên tiêm dự phòng trước khi chó cắn?
Có thể tiêm dự phòng vaccine dại trước khi bị cào, cắn, không cần chờ lúc bị phơi nhiễm. Điều này mang lại nhiều lợi ích: tiêm ba mũi vào các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28. Nếu bị cào, cắn, chỉ cần tiêm thêm hai mũi, không cần bổ sung huyết thanh kháng dại dù vết thương nặng.
Bác sĩ lý giải sau tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể từ trước, kịp thời nhận diện virus gây bệnh và tiêu diệt khi chúng xâm nhập, nhất là vết thương vùng đầu, mặt, cổ.
Hơn nữa hiện ở nhiều vùng sâu, vùng xa, người dân khó tiếp cận vaccine và huyết thanh kháng dại. Do đó, tiêm dự phòng trước phơi nhiễm cũng giúp người dân đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Chính tiết lộ 4 nhóm có nguy cơ mắc bệnh dại gồm: khu dân cư lưu hành bệnh dại, ít tiếp cận kịp thời, đầy đủ việc điều trị sau phơi nhiễm; người thường xuyên tiếp xúc động vật (nhân viên phòng thí nghiệm, bác sĩ thú y, người xử lý động vật, kiểm lâm...); người di chuyển đến khu vực nguy cơ cao mắc bệnh dễ mắc dại; trẻ em sống hoặc đến thăm nơi xa xôi, có nguy cơ cao.
"Trẻ thích chơi với vật nuôi, khi bị cắn hoặc có vết xước nghiêm trọng, có thể các em sẽ không báo với cha mẹ hoặc người thân", bác sĩ Chính cho hay.
Bị chó cắn một tuần có tiêm được vaccine dại?
Virus gây bệnh dại thường lây truyền qua vết cắn, vết trầy xước do động vật gây ra, sau đó tấn công hệ thần kinh trung ương. Một khi virus ảnh hưởng đến não, có thể dẫn đến triệu chứng về thần kinh như lú lẫn, ảo giác và động kinh, sau đó dẫn đến hôn mê và cuối cùng là tử vong.
Sau xâm nhập cơ thể, virus di chuyển nhanh mỗi ngày dọc các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ khoảng 12-24 mm. Các vị trí cắn có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, chi... cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ Chính, có nhiều trường hợp, thời gian ủ bệnh 1-3 tháng, hoặc hơn một năm. Điển hình, bệnh nhân ở Đăk Lăk ủ bệnh trong hai tháng. Dù muộn, bạn vẫn nên đến cơ sở y tế hỏi kỹ liệu trình tiêm, vì không có giới hạn trễ cho tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm.
Chó nhà nuôi đã tiêm đủ mũi dại cắn có cần tiêm vaccine?
Vaccine dại tiêm cho chó giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh trên vật nuôi. WHO và Bộ Y tế nước ta khuyến cáo khi bị động vật cắn, người dân cần tiêm phòng dại ngay, đồng thời theo dõi vật nuôi (dù nó đã tiêm phòng hay chưa).
Thực tế, nhiều trường hợp có tâm lý "chó nhà nuôi không mắc bệnh dại", chủ quan, không tiêm ngừa, bỏ qua thời gian vàng phòng bệnh bị cắn.
Bác sĩ Chính lý giải chó nhà không bị dại, song quá trình tiếp xúc, chơi đùa với vật nuôi khác có thể lưu virus dại trên lông, miệng, móng và lây qua người khi cắn, cào.
Ngoài ra, hiệu quả miễn dịch ở động vật sau khi tiêm phòng dại phụ thuộc nhiều yếu tố như: chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, phác đồ và số mũi tiêm nhắc.
"Một số nghiên cứu trên thế giới phát hiện chó, mèo đã tiêm phòng vẫn bị bệnh dại, do đó người dân không nên chủ quan", bác sĩ Chính nói thêm.